Nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng
Để tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân giảm thiểu các nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai Chiến dịch “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng”.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông), thời gian qua, người dân thường xuyên phải đối mặt với vấn nạn lừa đảo trực tuyến. Các đối tượng lừa đảo tìm mọi cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất là con người. Bằng thủ đoạn tinh vi, đối tượng lừa đảo áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản.
Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin, trong 9 tháng đầu năm 2024 đã tiếp nhận hơn 22.200 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng Internet gửi về Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.
Ngoài những biện pháp kỹ thuật, việc nâng cao nhận thức, cùng với các kỹ năng từ cơ bản tới nâng cao cho người dân được xem là một trong những biện pháp hàng đầu giúp ngăn chặn tác động tiêu cực của lừa đảo trực tuyến. Khi người dân, những người yếu thế nắm vững được các kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến sẽ cảnh giác hơn, từ đó giảm thiểu vấn nạn lừa đảo trực tuyến đang xảy ra hàng ngày.
Phòng chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Việc tự bảo vệ bản thân trên không gian mạng là một hành trình không ngừng nghỉ, đòi hỏi sự cảnh giác và nỗ lực liên tục. Mỗi người cần nắm được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trở thành một người dùng an toàn và thông minh trên không gian mạng.
Để tăng cường nâng cao nhận thức cho người dân giảm thiểu các nguy cơ bị lừa đảo trên không gian mạng, từ này đến 20/11/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức phát động chiến dịch “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến bảo vệ người dân trên không gian mạng”.
Chiến dịch tập trung phổ biến các kiến thức kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, nâng cao nhận thức cũng như kiến thức cho người dân thông qua 5 nhóm kỹ năng chính, bao gồm: Kỹ năng nhận biết, kỹ năng phát hiện, kỹ năng xử lý, kỹ năng phòng tránh và kỹ năng bảo vệ.
Chiến dịch được triển khai trên diện rộng phối hợp với các bộ ban ngành từ trung ương tới địa phương, các doanh nghiệp an toàn thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến, nền tảng mạng xã hội và các cơ quan báo chí, truyền thông trên cả nước.