Cao Bằng: Điều tra 11 vụ án, 25 bị can về tội tham nhũng trong năm 2024
Sáng 16/10, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tỉnh Cao Bằng họp phiên thứ 8, nhằm đánh giá công tác 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024.
Từ đầu năm đến nay, có 22 đơn vị được kiểm tra việc thực hiện các quy định công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động; tổ chức 16 cuộc thanh tra kiểm tra về chế độ định mức, tiêu chuẩn; tổ chức 12 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử.
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cao Bằng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện công tác PCTNTC đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải cách hành chính, rà soát thủ tục hành chính; mở rộng thực hiện cơ chế “Một cửa liên thông”. Tăng cường công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị.
Các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác phối hợp trong phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham ô, tham nhũng, kinh tế, lợi dụng chức vụ; góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; góp phần giữ ổn định về an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong 9 tháng, Công an tỉnh Cao Bằng thụ lý điều tra 11 vụ án, 25 bị can về tội tham nhũng; Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp ban hành cáo trạng truy tố 6 vụ/12 bị can; Tòa án nhân dân hai cấp xét xử 9 vụ/34 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ; chủ động báo cáo, xin ý kiến của BCĐ 4 vụ án.
Kết luận phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉ đạo và tham mưu tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về PCTNTC gắn với thực hiện các chủ trương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Chỉ đạo tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Kết luận, xử lý dứt điểm các tổ chức đảng, đảng viên sai phạm liên quan tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên...