Gỡ khó cho bài toán ngành thủ công mỹ nghệ
Hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng được ưa chuộng. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu thiếu, đòi hỏi phải có giải pháp kết nối, tìm kiếm nguyên liệu đầu vào cho ngành thủ công mỹ nghệ.
Ông Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiền năng xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nhờ sự đa dạng ngành nghề và giàu tài nguyên. Việt Nam có hơn 5.400 làng nghề và làng nghề truyền thống, với tổng doanh thu của các làng nghề này khoảng 75.000 tỷ đồng. Đến nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã tăng từ 1,62 tỷ USD năm 2015, lên 2,23 tỷ USD năm 2019.
Theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu chủ lực bao gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, và một số quốc gia ở khu vực Trung Đông. Việt Nam đang phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ sẽ đạt 4 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, nhìn vào tiềm năng và quy mô của ngành thủ công mỹ nghệ, con số này vẫn còn quá thấp so với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc hay Ấn Độ…
Một trong những khó khăn của ngành này là thiếu nguyên liệu đầu vào. Tại Hội nghị kết nối cung cầu nguyên liệu đầu vào ngành thủ công mỹ nghệ với các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2024 vừa diễn ra, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội (Sở Công thương Hà Nội) cho hay, trung bình một năm các làng nghề mây tre đan Hà Nội tiêu thụ khoảng 6.800 tấn nguyên liệu các loại, trong đó, trung bình một doanh nghiệp (DN) tiêu thụ khoảng 50 tấn nguyên liệu/tháng, hộ gia đình tiêu thụ khoảng 20 tấn nguyên liệu/tháng; các làng nghề gốm sứ tiêu thụ khoảng 620.000 tấn nguyên liệu, chủ yếu là đất sét và cao lanh; các làng nghề sơn mài khoảng 4.000 tấn…
Nguyên liệu có vai trò quan trọng đến sự phát triển bền vững đối với các làng nghề. Tuy nhiên, theo ông Vương Đình Thanh - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội, thực tế cho thấy, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ như mây, song, giang, tre, gỗ, cói… ở Việt Nam đang rất thiếu do các vùng nguyên liệu bị thu hẹp, trong khi số lượng sản phẩm sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước và nhu cầu xuất khẩu ngày càng lớn. Riêng nguyên liệu gỗ là nhóm phải nhập khẩu nhiều nhất do các DN sản xuất đồ gỗ xuất khẩu thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu.
Nhiều năm gần đây, một số tỉnh, thành phố đã và đang tiến hành lập quy hoạch vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, các quy hoạch này đều chưa xác định được vùng nguyên liệu cụ thể. Các quy hoạch chỉ tiến hành cho từng tỉnh, từng địa phương riêng rẽ mà chưa gắn kết quy mô vùng nhằm tận dụng tối đa lợi thế vùng miền trên cả nước.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội), hiện nguyên liệu mây tre lá cỏ đang có ở địa bàn Hà Nội chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu cần sử dụng nguyên liệu của thị trường. Do đó, các DN đã tự tìm những vùng nguyên liệu để tổ chức thu mua, hướng dẫn kỹ thuật khai thác và xử lý, bảo quản nguồn cung nguyên liệu đảm bảo phục vụ quá trình sản xuất.
Ngoài ra, thông tin hai chiều kết nối giữa người sản xuất và người cung ứng nguyên liệu đầu vào còn hạn chế, dẫn đến việc nguồn cung không đáp ứng cầu, do vậy dẫn đến khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ của cả hai bên. Khan hiếm nguyên liệu khiến giá thành tăng cao, tăng chi phí sản xuất sản phẩm, gây khó khăn cho các DN và người sản xuất.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các làng nghề sản xuất tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Trong khi đó vùng nguyên liệu lại chủ yếu ở các tỉnh phía Tây Bắc và các tỉnh miền Trung. Những khu vực này không được liên kết với nhau, gây khó khăn cho sản xuất, quản lý chất lượng và tốn nhiều chi phí, đặc bệt là chi phí vận chuyển…
Vì vậy, việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo cả chất và lượng là yêu cầu đặt ra hiện nay. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Tôn Gia Hóa, bản chất của phát triển làng nghề là dùng nguyên liệu tại chỗ. Tuy nhiên khi tình hình đã phát triển như thế này, chúng ta phải nhập khẩu. Còn ở những vùng có nguyên liệu, trước hết cần phát triển nghề.
Tại Hà Nội, để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu, các chuyên gia khuyến nghị, các cấp, ngành chức năng cần hoàn thiện các chính sách về đất đai, vùng nguyên liệu như khuyến khích DN, hợp tác xã trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ sản xuất. Đồng thời, định hướng phát triển vùng nguyên liệu ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề...