Chuẩn hóa bữa ăn học đường
Câu chuyện bữa ăn học đường, đặc biệt là đối với trẻ mầm non, học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở lâu nay đã là nỗi lo cho phụ huynh học sinh cũng như xã hội. Không chỉ nạn “tham nhũng vặt” như ăn bớt khẩu phần của trẻ, không ít trường hợp còn gây ra những vụ ngộ độc tập thể trong nhà trường.
Năm học mới bắt đầu chỉ chưa đầy tháng rưỡi nhưng đâu đó cũng đã ồn ã vì bữa ăn không đủ chất, thậm chí gây ngộ độc khiến học sinh phải nhập viện. Đó phải chăng đã trở thành câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”? Cũng chính vì thế, một số ý kiến cho rằng vì tầm vóc người Việt, đã đến lúc luật hóa bữa ăn học đường.
Khoa học đã chứng minh từ khi trẻ sinh ra cho đến 12 tuổi là giai đoạn vàng cho sự phát triển thể chất, quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và cả trí lực của con người. Khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi này. Do đó, không chỉ gia đình mà cả trường học cũng phải có sự chăm sóc đặc biệt cho trẻ em về dinh dưỡng. Nhất là trong bối cảnh bữa ăn bán trú ngày một phổ biến thì vai trò nhà trường lại càng quan trọng.
Chặn việc bớt xén khẩu phần ăn của trò đã đành, nhưng rất quan trọng và lâu dài phải là xây dựng một chế dinh dưỡng học đường khoa học. Không thể cho trẻ “có gì ăn nấy” rất lạc hậu mà nhân viên phục vụ bữa ăn cho học sinh cần phải biết những nguyên tắc cơ bản về khoa học dinh dưỡng. Bữa ăn phải cân đối, giàu chất xơ và dưỡng chất để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ, thay vì chỉ đơn thuần nghĩ rằng trẻ ngon miệng là xong. Nếu như thế rất dễ dẫn đến trẻ thừa cân, béo phì hay còi cọc, ốm nhom ốm nhách.
Việc nhiều nhà trường không tự tổ chức nấu ăn cho học sinh, mà hợp đồng với cơ sở chế biến bên ngoài cũng lại rất cần có sự hiểu biết về dinh dưỡng và phải kiểm soát chặt chẽ khẩu phần ăn từng ngày một. Trước hết là để bảo đảm dưỡng chất và cùng đó là không để thực phẩm ôi thiu, mất hết chất bổ dưỡng đến với bàn ăn của học trò gây nguy hại sức khỏe.
Đã tới lúc cần cân nhắc kỹ lưỡng việc xây dựng chính sách và tiến tới luật hóa dinh dưỡng học đường, chuẩn hóa bữa ăn học đường; đảm bảo việc phát triển toàn diện của trẻ mà rõ nhất là về tầm vóc, không thể để các thế hệ tiếp nối vẫn “thấp bé nhẹ cân”, mà phải cao lớn, dẻo dai, giỏi giang hơn; đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của quốc gia trong tương lai.
Trở lại với ý kiến cho rằng cần luật hóa bữa ăn học đường, cũng cần học tập kinh nghiệm từ Nhật Bản. Tại Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần II với chủ đề “Dinh dưỡng học đường” diễn ra mới đây, Giáo sư Nakamura Teiji - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản cho hay, từ năm 1954, Chính phủ nước này đã ban hành Luật Bữa trưa học đường. Cho tới năm 2005, lại ban hành Luật cơ bản về Giáo dục thực phẩm và Dinh dưỡng. Đến nay, 99% các trường Tiểu học và 91,5% các trường Trung học cơ sở tại Nhật Bản đã áp dụng chương trình này.
Nhờ quyết tâm như thế, tới nay chiều cao trung bình của nam giới Nhật Bản đã vượt lên 22cm so với cách đây 50 năm (172cm so với 150cm) và 19cm ở nữ giới (158cm so với 149cm).