Phong trào thi đua 'Đồng Khởi mới' làm chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động
Qua triển khai thực hiện phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” đã làm chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân, tạo sự đồng thuận xã hội cao, năng suất, hiệu quả làm việc được nâng lên.
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bến Tre trong tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X.
Theo tham luận của Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bến Tre, 5 năm qua MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, phối hợp với chính quyền thực hiện tốt các nội dung phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”, nổi bật là:
Trong xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam các cấp đã thực hiện giám sát chuyên đề và giám sát thường xuyên đối với cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ theo Quy định của Ban Bí thư; thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 24/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh của các cấp ủy đối với công tác giám sát và phản biện xã hội, hằng năm hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch về giám sát theo quy định, trong 5 năm qua đã tổ chức giám sát 1.711 cuộc, sau giám sát có thông báo kết quả đến từng đơn vị và theo dõi phúc tra kết quả sau giám sát.
Đối với công tác phản biện xã hội được quan tâm thực hiện, có chuyển biến, đặc biệt là từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương “Hệ thống Mặt trận chủ động đăng ký nội dung với cấp ủy, chính quyền để thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội”.
Trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh: với vai trò vừa tuyên truyền, vừa vận động tạo sự đồng thuận, vừa vận động nguồn lực để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, vừa giám sát quá trình triển khai thực hiện, MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ động hiệp thương với các tổ chức thành viên và đăng ký thực hiện công trình, phần việc cụ thể góp phần thực hiện các tiêu chí.
Thông qua vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và kết hợp với các nguồn hỗ trợ thực hiện an sinh xã hội trực tiếp với các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ sinh kế, xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn... với tổng số tiền trên 670,3 tỷ, toàn tỉnh đã có 110/157 xã, phường, thị trấn và 5/9 huyện, thành phố cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo; góp phần xây dựng thành công 106 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong vận động, tạo đồng thuận của người dân thực hiện các chủ trương, các công trình trọng điểm của tỉnh: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp được tham gia các công trình, dự án từ sớm thông qua việc lấy ý kiến hài lòng của người dân, qua phản biện xã hội, tham gia vào Ban chỉ đạo, Ban vận động…
Từ đó nắm được chủ trương, chủ động phối hợp với chính quyền thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, thực hiện việc nêu gương của cán bộ, đảng viên “trong trước, ngoài sau”; “trên trước, dưới sau”, “dễ làm trước, khó làm sau”… và xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong tuyên truyền, vận động, qua đó đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân đồng thuận tham gia thực hiện hiệu quả 11 công trình, dự án trọng điểm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Qua triển khai thực hiện phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” đã làm chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân; tạo sự đồng thuận xã hội cao, năng suất, hiệu quả làm việc được nâng lên. Nhiều địa phương, cơ sở đã phát huy sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, tạo những mô hình, điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh vận động Nhân dân phát huy vai trò làm chủ, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức cho Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền bằng nhiều hình thức phong phú; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp, nội dung giám sát gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
Qua quá trình triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre rút ra một số kinh nghiệm như:
Một là, có sự quan tâm lãnh, chỉ đạo, đề ra chủ trương sâu sát, kịp thời của cấp ủy Đảng.
Hai là, cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp phải chủ động, tâm huyết, đeo bám, không ngại khó, từ đó đề ra các công việc cụ thể phát động người dân thực hiện có hiệu quả chủ trương của cấp ủy; sẵn sàng đăng ký, đột phá vào những việc khó, vướng từ cơ sở; qua đó chủ động tham mưu với cấp ủy, đề xuất với chính quyền tạo điều kiện, cơ chế để phát huy vai trò, sức mạnh của khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ba là, xác định người dân là chủ thể trong tuyên truyền, vận động, từ đó phát huy dân chủ trong tuyên truyền, tạo đồng thuận; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”; đổi mới, sáng tạo đa dạng các hình thức tuyên truyền.
Bốn là, để triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” có sức lan tỏa mạnh mẽ, thì phải gắn kết vào các cuộc vận động, các phong trào do MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận chủ trì thực hiện; xác định trọng tâm, trọng điểm; phát động theo đợt, có sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt; kịp thời nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay.
Năm là, vận động nhân dân cùng tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương làm cho tinh thần “Đồng Khởi mới” đến với từng người, từng nhà, từng cơ quan, đơn vị, đưa phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” trở thành xung lực chính trị thúc đẩy Bến Tre phát triển. Thực hiện tốt “Xây dựng điển hình, học tập điển hình, bắt kịp điển hình, vượt qua điển hình” trên các lĩnh vực.