Mặt trận

Mặt trận các cấp phải là nòng cốt trong vận động, hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát

Hoàng Đức, Hoàng Chiến 17/10/2024 17:05

Tại Trung tâm thảo luận số 3 do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì, các đại biểu đã tiến hành trao đổi về nhiều vấn đề quan trọng.

Chiều 17/10, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 -2029, các đại biểu đã tiến hành thảo luận đối với dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội.

Các đại biểu tham gia thảo luận tại Trung tâm thảo luận số 3 gồm 10 tổ chức lĩnh vực pháp luật - y tế và đoàn đại biểu 15 của tỉnh, thành phố.

tt3.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Trung tâm thảo luận số 3.

Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng đề nghị các đại biểu tập trung tham luận, thảo luận đối với dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội với từng nội dung chương trình cụ thể. Trong đó, đề nghị Đại hội thảo luận sâu hơn về nội dung liên quan đến các chỉ tiêu, Chương trình mới “Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”.

tt1.jpg
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì phiên thảo luận.
tt5.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang tham gia phiên thảo luận. Tham gia thảo luận, Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang đã nêu bật những kết quả và kinh nghiệm trong triển khai hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo tham luận của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Giang, Bắc Giang đang phấn đấu phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc; có tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; giữ vững vị trí về quy mô kinh tế. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, Bắc Giang luôn chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
tt4.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận.
tt7.jpg
ĐĐại biểu Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam: Nâng cao năng lực giám sát, phản biện xã hội. Lấy ví dụ từ kinh nghiệm thực tiễn của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đệ đưa ra 2 vấn đề có thể xem là bài học kinh nghiệm bước đầu của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam trong quá trình tham gia giám sát, phản biện xã hội. Một là, nội dung phản biện, góp ý xây dựng chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn để ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Hai là, đề cao trách nhiệm và tính xây dựng trong xây dựng chính sách và phản biện xã hội, kiên trì, bền bỉ, theo dõi, lắng nghe, tập hợp ý kiến của hội viên, nhất là trong việc lên tiếng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên. Theo đó, phản biện chính sách dễ gây xung đột quyền lợi giữa các bên nên cần phải có phương pháp phù hợp. Không phải phát biểu để “gây bão” dư luận hay “dậy sóng” hội nghị mà phải nói có căn cứ khoa học và thực tiễn, trên tinh thần xây dựng.
tt6.jpg
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An. Phát biểu tại phiên thảo luận, bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết, với vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Măt trận Tổ quốc càng thấy rõ sứ mệnh tiên phong của mình trong công cuộc chuyển đổi số. Nghệ An nhận thức rõ, chuyển đổi số là giải pháp tất yếu, để đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận, khắc phục tình trạng hành chính hóa. Nghệ An đã bắt đầu hành trình này với tâm thế tiên phong, quyết tâm đưa Mặt trận đến gần hơn với nhân dân, với phương châm “Hướng mạnh về cơ sở, lắng nghe tiếng dân, hành động vì dân” và lấy Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị làm kim chỉ nam, với mục tiêu đến năm 2025 "Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số".
tt2.jpg
Các đại biểu dự phiên thảo luận tại tổ 3.

Hoàng Đức, Hoàng Chiến