Như Bình với sự ảo diệu biếc xanh
Tập thơ mới “Sự im lặng biếc xanh” (NXB-HNV-2024) của Như Bình có một cấu trúc thú vị với ba phần Trầm-Mộng-Thiền. Mỗi phần có một không gian thơ riêng cuốn hút người đọc. Nhưng thực ra đó là kết cấu ba trong một tinh tế của nguồn lực thơ dồi dào và đầy tâm trạng của tác giả.
Mỗi phần có sắc thái riêng, mỹ cảm độc lập và mang nét sáng tạo thấm đẫm ánh sáng nghệ thuật Tượng trưng giàu nhạc điệu và lấp lánh những nghịch phách của Siêu thực. Phải chăng đó chính là gương mặt thơ hiện đại ẩn chứa nội lực cảm xúc bất ngờ. Với tập thơ này, Như Bình đã tạo ra một giọng thơ nữ đương đại đặc sắc không kém phần bất ngờ cho người đọc.
Với “Trầm” tôi ngỡ như rơi tõm xuống thung lũng cô đơn cùng nỗi khát khao hạnh phúc của nữ sĩ. Đó là cánh rừng “nỗi nhớ phờ phạc” của một con “Thú hoang”. Như Bình luôn ngỡ “Em tưởng em đã chết/ Ở đâu đó lâu lắm kia, trên cõi thế gian này/ em sợ mình như một linh hồn/ lang thang đi lạc”. Sự đồng hiện giữa con thứ hoang đó và “Em” làm nên sự cay nghiệt của nỗi nhớ kinh hoàng: “Con thú hoang đã nhốt sâu/ dù nó nhe răng van vỉ em bằng cái vẻ cụp đuôi xờ xạc/ dù nó cắn em suốt đêm trong nỗi nhớ anh phờ phạc”. Bức tranh ẩn dụ được vẽ lên trong tâm hồn tác giả đẩy tới cảm xúc sâu thẳm của nỗi cô đơn và bất lực trước nó, bởi khi “Em” luôn “Không nhớ mình là ai/ từng là ai/ vẫn nước mắt vô tình chạm mỗi ngày bất lực”.
Sự gánh chịu nỗi cô đơn với đời sống tinh thần hiện hữu của tình yêu trước mắt luôn dẫn “Em” tới những nỗi “Trầm cảm” dẫn tới hoang tưởng về cái chết vì bị bỏ rơi: “Cái chết của yêu thương không phải một lần/ và chúng ta nhiều lần trở thành kẻ sát nhân lạnh giá” (Trầm cảm 1). Đó là cái chết mang yếu tố tâm linh mà “Em” run sợ đơn côi. Rồi mỗi lúc sự tuyệt vọng ập đến trong nỗi khát khao càng thêm ảo giác: “Những tuyệt vọng khiến em điên dại/ muốn vò đám mây dải lụa/ thu hết muôn sao/ muốn an táng vầng trăng trong bầu ngực” (Viết cho anh). Nét ảo giác trong khủng hoảng điên dại ấy đã có lúc lắng xuống một cách dịu dàng hơn cái chết hoang tưởng nhưng cũng không kém chua xót: “Chúng ta đã hôn lên nỗi cô đơn của nhau/ để giờ đây/ trong căn phòng chật đầy hương em/ anh ngồi ăn kỷ niệm”. Quả thật, cái ảo giác trong thơ Như Bình đã tạo nên sự ảo diệu đầy chất siêu thực kỳ thú. Tiếp theo đó là “Trầm cảm 2”; “Trầm cảm 3” tác giả luôn luôn tự vấn sau những nỗi cô đơn bất tuyệt ấy rằng: “em phải sống như thế nào để bớt những khát khao bớt u uẩn âu lo…”.
Nhưng đó là sứ mệnh của tâm hồn cô đơn phải gánh chịu. Có đôi khi nỗi cô đơn ấy đã run rẩy trong sự giải thoát số phận. “Em” đã hoảng loạn bởi chưa kịp sống, chưa kịp yêu ngỡ đâu cái chết đến bất kỳ. Thế rồi “Em” tự thú khi “Nghĩ về cái chết”; “Viết về cái chết 1”; Và đâu đó cái chết luôn ám ảnh tâm hồn: “ai sẽ mở tiệc trên cơ thể em/ để chú dế con thôi gục đầu trên ngực em bật khóc”. Rồi sự ám ảnh ấy vẫn còn váng vất trong sự cô đơn siêu nhiên: “em đứng yên tan chảy/ khóc mà không hiểu vì sao/ vì sao chúng ta bặt xa nhau/ vì sao chúng ta vắng xa nhau lâu đến thế” (Sự lãng quên trùng kiếp). Nhưng tới “Khúc hát của người đàn bà và khe cửa hẹp” thì “Em” mang lại cảm giác vừa đi vừa hát bởi: “giữa những cơn hổn hển của thời gian/ qua khe hẹp/ em lách mềm bờ vai sống/ hít thở khí trời và chạy”. Sự hoảng loạn của nỗi cô đơn trong “Em” đã vượt qua khỏi thung lũng của con thú hoang để tìm ra cửa sáng ngoài khe cửa hẹp tâm hồn. Và cơn khát sống bay trên những nụ hôn trên nỗi cô đơn và cái chết hoang tưởng khi “Em”: “thèm bã bời trăng/ khát miên du gió/ uống mưa như uống rượu/ say nắng lả”. Và nữ sĩ đã bứt ra khỏi những bức bối ngộp thở bấy lâu: “không đủ lãnh cảm em/ không đủ giam cầm em/ giữa những hổn hển của không gian/ em bình tâm/ thở”.
Đọc thơ của Như Bình cứ mê đi là thế. Ngôn ngữ chị giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu và không kém phần ma mị quyến rũ. Chả thế mà từ thơ của chị một số nhạc sĩ đã phổ nhạc thăng hoa những bài hát hay như “Hôn lên nỗi cô đơn của nhau” (Tiến sĩ nhà thơ Đỗ Anh Vũ phổ nhạc từ bài thơ Ảo giác), hay ca khúc “Tháng giêng”; “Tự tình với biển” do nhạc sĩ Nguyễn Đình San phổ nhạc.
Từ ảo giác thân phận và sự cô đơn thẳm sâu dẫn dụ người đọc đi tới những cơn mộng tình khát vọng. Dần dần sự hoang vắng thay thế nỗi cô đơn trong tâm hồn nhưng vẫn thấp thỏm trong sự xa cách. Và ta thấy “Em” bứt thoát trong cõi mộng của mình ra sao. Với “Mộng” nhà thơ lại thể hiện một màu sắc độc đáo bởi “Sự im lặng biếc xanh”. Trong phần Mộng, nữ sĩ đã để lại những câu thơ hay, khổ thơ lạ mang tính tượng trưng bừng sáng như: “nắng xối phố chiều cong xác lá” (Không hẹn với mùa thu); “mùa gọi về nắng mới ríu ran xanh” (Âm thanh cuối); hay có thể rằng “em ước mình rỗng không/ rỗng như mùa về/ rùng mình/ trút vào một cơn gió rụng” (Rỗng không); và càng ảo mộng làm sao khi: “Em muốn gieo hạt mưa ửng đỏ/ trời đã gió/ em sẽ làm thêm bão tố” (Không hẹn với mùa thu). Hơn nữa, thơ Như Bình càng ảo diệu thêm khi có một “Phiến hôn” trong cơn mộng du. Phiến hôn trong tâm cảm ấy đã gắn cái một dấu ấn kỳ thú mang tên Như Bình với những: “phiến hôn lấm đất”, “phiến hôn phơi trên sỏi nóng” và “một ngày em đi qua mùa hạ/ chạm phiến hôn giập trong kẽ đá/ nứt vỡ/ long lanh”. Sự tinh tế trong thi ảnh siêu thực của Như Bình được chìm ngập trong những cái gió, cái nắng, cái dịu dàng của mùa thu nổi bật trong cõi mộng. Nào “Không hẹn với mùa thu”, rồi “Lỡ thu”, “Chiều mộng”; Và lại “Mùa thu”.
Nhưng có lẽ cõi mộng của nữ sĩ vẫn trầm tư trong nỗi biếc xanh: “sự im lặng khiến em vỡ/ óng ánh mùa thu”; và con đường tới sự sống và hạnh phúc vẫn còn vương vất ở đâu đó khi: “giữa anh và em/ như đáy biển không ánh sáng/ như loài san hô câm điếc/ như ngọc trai khóc bóng tối mịt mùng” (Sự im lặng biếc xanh 1). Nhưng có thể nói đến “Sự im lặng biếc xanh 2" phần tâm tĩnh khi độc thoại với chính mình, nữ sĩ đã chật đầy những ám ảnh trong nỗi khắc khoải mộng du: “Có lúc nào anh nhớ em không”; hay đó là tự vấn: “Có lúc nào em nhớ anh không/ biển sâu quá đại dương như vỡ nát/ trào ngược em biển hát/ khản giọng/ cổ ca”; Cơn mộng còn chưa dừng lại với “hoàng hôn thả mặt trời xuống vớt em lên/ em đỏ ối quả cầu cháy khát”. Vẫn chưa hết, người đọc ắt cũng bị dẫn vào cung mê của hồn thơ man dại: “Những đáy sóng nhớ em/ san hô nhớ em/ rong biển đã ru em/ nghìn năm em chết”. Và “Em” đó luôn cô đơn: “em bơ vơ trên sóng/ đùa vui mặn đắng” cùng lúc “em chìm xuống/ không lúc nào tỉnh giấc/ mơ một ngọn gió màu xanh”. Cuộc sống giàu khát vọng là vậy. Nông nỗi cô đơn càng bất tuyệt càng khao khát sống và hạnh phúc là thế; cho dù: “em có thể gãy cánh như con chim mơ về bầu trời/ sẽ vỡ mộng như con ngựa hoang bay trên mờ mịt lối/ sẽ ngã chết như loài chim trong bụi mận gai” (Âm thanh cuối cùng).
Mạch nguồn chuyển động trong dòng thơ đầy chất tâm linh huyền bí của Như Bình tạo nên sự quyến rũ cho người đọc. Đó là các cung bậc nhịp điệu và hương sắc của hình ảnh giàu cảm xúc. Sự độc đáo của nữ sĩ là sự đổi màu dần dần bừng sáng vượt qua “Trầm” và “Mộng” sang cõi “Thiền” lắng sâu. Với “Thiền” là một sự thách thức với nữ sĩ khi bứt thoát khỏi cõi “Mộng” đầy khắc khoải và trầm luân. Nhưng ngạc nhiên thay, qua “Thiền” thơ Như Bình lại gieo vào lòng người đọc một sự trở về với chính mình. Quán chiếu mình với những huệ giác trong cõi thiền. Tới đây, Như Bình cũng làm cho người đọc ngộ ra tư tưởng phật giáo rằng: “Phật gọi cái không thật mà tưởng thật là điên đảo. Điên đảo là vô minh”. Và đó chính là tu trong một chữ “Nhớ”. Nhớ là ghi nhận chỗ đang sống sáng ngời và đó chính là đang thiền. Như Bình đã thể hiện điều đó ngay từ những con chữ đẫm sắc thái kệ phật: “Em về ngủ giữa sen trắng/ mộng bình yên một đóa thôi/ ru em miền hương thơm nắng/ ngắm em sáng mảnh gương trời” (Thiền 3).
Cuối cùng, nữ sĩ đã trở về “Trong khu vườn lặng im của em” với cảm xúc dâng trào “hạnh phúc đến chật vườn ong bướm hát/ gió ôm những mùi hương bay xa”. Hồn thơ say đắm yêu thương đầy diệu ảo biếc xanh: “sương hay nắng cười trên vòm lá biếc/ óng ánh mắt em”. Một vẻ đẹp huyền ảo trong hình ảnh cũng là nét đặc trưng trong thơ Như Bình với sự trải nghiệm trầm luân trong cuộc đời. Người đọc ắt hẳn càng say đắm với không gian diệu ảo trong thơ Như Bình cũng với sự tĩnh lặng của hạnh ngộ: “hãy để em được cất tiếng/ thanh âm như những ký tự/ em truyền chú mật ngữ vào thinh không/ hãy để em yên” (Tảng đá đang thiền). Đó là hành trình sống tích cực, và cái cách chị vươn lên, hoá giải mọi thứ để cuối cùng chị sống với niềm yêu thương nhẹ nhõm thanh khiết, và đó cũng chính là sự thành công của tập thơ “Sự im lặng biếc xanh” - Như Bình.