Trở thành tiếng lòng của Nhân dân
Trong ngày Khai mạc chính thức Đại hội, vấn đề được đặt ra như một yêu cầu lớn của công tác Mặt trận trong thời kỳ mới là lắng nghe ý kiến nhân dân, tham gia giải quyết những bức xúc của nhân dân ngay từ cơ sở.
Trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đặc biệt nhấn mạnh tới yêu cầu này, khi đề nghị Mặt trận sâu sát với dân, đồng hành cùng dân, “khi dân cần Mặt trận có, khi dân khó Mặt trận sẵn sàng tham gia”. Mặt trận cần tích cực tập hợp, lắng nghe ý kiến Nhân dân, thật sự trở thành chỗ dựa tin cậy, tiếng lòng của Nhân dân.
Để làm được điều này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng cho rằng cần đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng được đội ngũ cán bộ Mặt trận để “dân mến, dân thương, dân tôn trọng, dân tin cậy, dân chia sẻ”. Đây cũng là trăn trở của nhiều đại biểu mà chúng tôi gặp gỡ bên hành lang Đại hội.
Đại biểu Nguyễn Văn Pha - nguyên Phó chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam chia sẻ rằng đây là thời kỳ Đảng, Nhà nước cần và tin cậy vai trò của Mặt trận. Điều này vừa là thuận lợi vừa là thách thức của công tác Mặt trận trong thời kỳ mới. Đặt ra một yêu cầu cấp bách phải nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức hoạt động, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ mặt trận, nhất là ở cấp cơ sở.
Nhắc đến cán bộ Mặt trận cơ sở lâu nay vẫn là những hình ảnh “người vác tù và hàng tổng”. Nhiệt huyết có thừa, sự tận tâm, tận tuỵ có thừa. Nhưng công tác Mặt trận thời kỳ mới còn cần những cán bộ có trình độ, có phương pháp để bắt kịp với công nghệ và tâm tư, nguyện vọng nhân dân với nhiều thay đổi trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, cũng phải thấy rằng về chế độ chính sách cho cán bộ Mặt trận cấp cơ sở cũng còn hạn chế, yêu cầu thì nhiều nhưng sự đãi ngộ thì còn khiêm tốn, cũng là một vướng mắc hiện nay.
Tâm tư của nhiều cán bộ Mặt trận trong những năm qua là ở cấp cơ sở, có những nơi, những lúc cấp uỷ, chính quyền chưa tạo điều kiện về cơ chế để Mặt trận thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội. Như vậy có thể thấy để sự hiện diện của Mặt trận trong hệ thống chính trị cấp cơ sở đúng với tư thế cần phải có thì cần sự đổi mới cả 2 phía. Một mặt cần nâng tầm phương thức hoạt động của Mặt trận, nâng tầm đội ngũ những người làm công tác Mặt trận. Mặt khác, cần thay đổi nhận thức của cấp uỷ, chính quyền về vai trò, vị thế của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị.
Hôm nay, 18/10, Đại hội X sẽ bế mạc. Đã có nhiều thay đổi quan trọng trong Điều lệ Mặt trận thời kỳ mới, như số lượng Uỷ viên UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tăng lên, như thay vì mỗi năm họp 1 lần, Điều lệ đã thay đổi từ nay mỗi năm Uỷ ban có 2 phiên họp. Sự thay đổi này không đơn thuần chỉ là thay đổi về số lượng, mà là sự thay đổi căn bản để kỳ vọng hoạt động Mặt trận ở một nhiệm kỳ mới đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, thời kỳ mở ra một kỷ nguyên mới. MTTQ Việt Nam sẽ đứng trong hệ thống chính trị đúng với vai trò, vị thế tập hợp các tầng lớp, các giai cấp, các nhân sĩ trí thức, các dân tộc, các tôn giáo, kiều bào thành một khối đoàn kết cùng xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường.
Cũng kỳ vọng một đội ngũ cán bộ Mặt trận và đoàn thể tâm huyết, trách nhiệm thật sự gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, yêu dân, “là tấm gương sáng để dân mến, dân thương, dân tôn trọng, dân tin cậy, dân chia sẻ”.