Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Băn khoăn về tỷ lệ học bạ
Thông tư 22/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT không quy định cách tính điểm trung bình cả năm, trong khi dự thảo thông tư mới về quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 dự kiến điểm học bạ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT tăng từ 30% lên 50%.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dự kiến tăng tỷ lệ điểm học bạ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT đang nhận được sự quan tâm của đông đảo nhà trường, phụ huynh và học sinh. Đặc biệt, kết quả quá trình học tập sẽ được lấy ở cả lớp 10, 11 và 12, thay vì chỉ lớp 12 như trước đây. Tuy nhiên, điều khiến giáo viên băn khoăn hiện nay là Thông tư 22/2021 không còn quy định điểm trung bình cả năm, nên giáo viên chưa rõ công thức tính điểm học bạ vào việc xét tốt nghiệp thế nào.
Cụ thể, điểm trung bình từng năm học là điểm trung bình của các môn học được đánh giá bằng điểm số. Tuy nhiên, Thông tư 22/2021 (quy định về đánh giá học sinh THCS và học sinh THPT) không quy định cách tính điểm trung bình cả năm mà hiện đang quy định kết quả học tập của học sinh trong từng học kì và cả năm học được đánh giá theo các mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Trong đó, mức Tốt là tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét được đánh giá mức Đạt và tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn học kì, điểm trung bình môn cả năm từ 6,5 điểm trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn học có điểm trung bình môn học kì, điểm trung bình môn cả năm đạt từ 8,0 điểm trở lên. Tương tự, các mức đánh giá khác cũng yêu cầu học sinh phải đạt được các mức nhận xét, điểm số tương ứng.
Với lứa học sinh đầu tiên học và thi tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có những thay đổi quan trọng trong việc quy định cách tính điểm trung bình cả năm, các nhà trường mong muốn Bộ GDĐT sớm rà soát lại quy định điểm xét tốt nghiệp THPT để Thông tư Quy chế thi tốt nghiệp THPT sắp được ban hành tới đây được chặt chẽ hơn.
Nhìn lại tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT toàn quốc năm 2024 là khoảng 99,4%, là tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua. Trước đó, năm 2023 tỷ lệ này là 98,88%, năm 2022 đạt 98,57%.
GS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng đây là một kết quả đáng khích lệ. Tới năm học này, lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp với những thay đổi về số môn thi như có hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn lựa chọn nằm trong các môn học sinh được học.
Điều này, làm giảm bớt áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT khi thí sinh được quyền chọn thi môn là thế mạnh của mình, nhất là khi danh sách các môn thi không chỉ bao gồm các môn học truyền thống như Hóa học, Vật lý, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Ngoại ngữ mà bao gồm cả môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp). Với việc lần đầu tiên xuất hiện các môn này trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, quan niệm môn chính, môn phụ đã hoàn toàn bị gạt bỏ, học sinh được chọn học để phát triển năng lực bản thân ở lĩnh vực mà mình mong muốn. Đồng thời, phương án thi này cũng phù hợp với việc không phải mọi học sinh đều có nguyện vọng xét tuyển vào đại học.
Tuy nhiên, khi tăng tỷ lệ xét tuyển bằng học bạ lên 50%, cần có giải pháp để không kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực như tình trạng làm đẹp học bạ vốn được các chuyên gia cảnh báo nhiều thời gian qua. Trong đó, việc thanh tra xử lý nghiêm các sai phạm được nhấn mạnh nhằm hạn chế tình trạng này.
Theo PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, hàng năm sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT đều thông báo công khai dữ liệu đối sánh trung bình điểm học bạ từng môn của các địa phương nhằm điều chỉnh việc dạy học ở các trường phổ thông. Kết quả đối sánh các năm qua cho thấy, điểm số giữa thi tốt nghiệp và học bạ ở hầu hết các môn đều vênh nhau rất lớn. Điều này được lý giải không chỉ vì điểm học bạ được sử dụng để xét tốt nghiệp THPT với tỷ lệ 30% mà nhiều trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả học bạ để tuyển sinh. Điều này khiến kết quả học tập của học sinh bị méo mó.
“Điểm học bạ đang bị lạm phát. Cần tăng cường thanh kiểm tra trong việc đánh giá, xếp loại học sinh ở bậc phổ thông. Chẳng hạn, Bộ GDĐT có thể yêu cầu thực hiện việc kiểm tra kết quả học bạ THPT đối với những trường hợp có điểm học bạ bất thường để tạo tính công bằng trong giáo dục đào tạo” – PGS Trần Xuân Nhĩ đề xuất và cho rằng học bạ điện tử là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng công khai minh bạch trong việc đánh giá, xếp loại học sinh.
Cần có thêm các quy định chặt chẽ ở khâu nhập điểm như quy định khung giờ hoặc khi đã nhập lên học bạ điện tử thì không được sửa chữa, nếu có thì phải giải trình để nâng cao tính chuyên nghiệp cho giáo viên, tránh tình trạng “nâng đỡ”, “sửa điểm” làm đẹp học bạ.