Kinh tế

Xây dựng công trình xanh: Cần thêm chính sách ưu đãi

Thái Nhung 18/10/2024 09:07

Công trình xanh đã xuất hiện ở nước ta từ hơn 15 năm qua, tuy nhiên đến nay số lượng còn khá khiêm tốn.

anhbaitren(1).jpg
Công trình xanh sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Ảnh: Thái Nhung.

Nhiều cơ hội phát triển

Theo Bộ Xây dựng, công trình xanh xuất hiện ở Việt Nam tuy đã lâu nhưng mới được đưa vào Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, Nghị định số 15/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đây là bước tiến quan trọng, là cơ sở pháp lý để đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình xanh tại Việt Nam. Là một nước đang phát triển, ở nước ta, việc tăng trưởng kinh tế đã gây áp lực đáng kể lên cơ sở hạ tầng và môi trường, đặc biệt là áp lực về nhu cầu nhà ở, tiêu thụ năng lượng, quản lý chất thải và ô nhiễm ngày càng tăng.

Để đối phó với những thách thức phát triển xanh, bền vững, phát thải carbon thấp tiến tới phát thải ròng bằng 0, Chính phủ đã có nhiều hành động và chính sách nhằm thúc đẩy công trình xanh. Tại COP26, Việt Nam cũng đã cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, trong đó, có nhiều chính sách phát triển công trình xanh. Đây là những tiền đề cơ bản để các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng công trình xanh.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Hồng Phong - chuyên gia về công trình xanh, các doanh nghiệp hiện rất quan tâm đến công trình xanh, trong đó giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đã trở thành một trong những yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong xu thế hội nhập toàn cầu. Đồng thời, công trình xanh còn khẳng định thương hiệu, lợi thế của các sản phẩm bất động sản trên thị trường trong việc thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, dễ dàng tiếp cận nguồn vốn xanh, thu hút nguồn lực từ các quỹ đầu tư hay có nhiều lợi thế trong quảng bá sản phẩm, dịch vụ…

Không chỉ có lĩnh vực bất động sản, ông Phong thông tin thêm, hiện nay tỷ lệ dự án công trình xanh trong các lĩnh vực may mặc, da giày, giáo dục, nghỉ dưỡng... đang ngày càng nhiều hơn. Bởi khách hàng ngày càng có xu hướng sử dụng các sản phẩm xanh và quy trình xanh hóa trong chuỗi sản xuất. Điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm triển khai công trình xanh.

Cần thêm trợ lực

Theo Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), thời gian gần đây các công trình xanh ở Việt Nam có bước phát triển đáng kể. Tính đến hết quý III/2024, Việt Nam có 514 công trình đạt tiêu chuẩn công trình xanh. Tuy nhiên, để bắt kịp với xu thế của thế giới và những thách thức ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, chúng ta cần nhiều nỗ lực hơn nữa. Hiện nay, việc áp dụng công trình xanh ở Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản và thách thức.

Ông Nguyễn Chiến Hữu - Giám đốc Quản lý thiết kế Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Văn Phú Invest) chia sẻ, thách thức lớn nhất hiện nay của xây dựng công trình xanh là tiêu chuẩn vật liệu xanh, giá thành của vật liệu xanh, tâm lý ngại đổi mới, công tác tuyên truyền về công trình xanh chưa mạnh… Do đó, theo ông Hữu, để phát triển công trình xanh, doanh nghiệp cần được thuận lợi trong đầu tư, lựa chọn vật liệu xanh. Bên cạnh đó, nhà nước cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công trình xanh để nâng cao nhận thức, hiểu biết của xã hội, qua đó tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư vào việc xây dựng công trình xanh.

Theo TS Ngô Thế Vinh - Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế phát triển đô thị (Viện Kinh tế xây dựng), có nhiều lý do khiến công trình xanh ở nước ta chưa phát triển như: Xây dựng công trình xanh ở nước ta hiện đang ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc; trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn khi tiếp cận về nguồn tài chính xanh cho các dự án công trình xanh trong khi lãi suất đầu tư cho công trình xanh lớn hơn so với công trình thông thường nên nguồn lực đầu tư cũng lớn hơn…

Từ đó, ông Vinh cho rằng, muốn thúc đẩy các công trình xanh, nhà nước cần có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các chủ đầu tư đầu tư xây dựng công trình xanh như giảm chi phí xây dựng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho công trình xanh, nghiên cứu, ban hành lộ trình áp dụng cơ chế đầu tư xây dựng công trình xanh đối với một số loại hình công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tiếp cận nguồn vốn xanh… Ông Vinh cũng chỉ ra rằng, đầu tư cho công trình xanh sẽ giúp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, thuận lợi hơn trong quản lý vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thái Nhung