Bốn anh em họ Hồ gặp nhau trong Đại hội Mặt trận
MTTQ Việt Nam đã qua 9 kỳ Đại hội, mỗi lần đại hội lại để lại một dấu ấn khác nhau và bao kỷ niệm khó quên. Nhưng tại Đại hội Mặt trận Thống nhất Việt Nam lần thứ I có một kỷ niệm sâu sắc với bao người và với gia đình cụ Hồ Đắc Di - bốn anh em gặp nhau. Đó là một “cuộc trùng phùng lịch sử” - sự kiện “độc nhất vô nhị” trong lịch sử xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại hội lần thứ I MTTQ Việt Nam (nhiệm kỳ 1977-1983) họp từ ngày 31/1 đến 4/2/1977, tại Hội trường Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh, hợp nhất ba tổ chức Mặt trận: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN). Đại hội đã hiệp thương, giới thiệu 191 vị tham gia UB TƯ MTTQ Việt Nam. Chủ tịch danh dự là Cụ Tôn Đức Thắng; Chủ tịch là Cụ Hoàng Quốc Việt.
Từ ba thành phố lớn của ba miền Tổ quốc, bốn anh em nhà họ Hồ, mỗi người một hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau nhưng đều đi theo con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, đã có cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa. Xin được bắt đầu từ người anh cả Hồ Đắc Điềm. Ông là Tiến sĩ Luật, đã từng làm Tổng đốc Hà Đông thời Pháp còn đô hộ nước ta. Thời kỳ cách mạng, Hồ Đắc Điềm làm Chánh án Tòa án Liên Khu IV. Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, mặc dù làm quan chức trong ngành Tòa án nhưng khi tới các địa phương, ông cũng tới thăm các trường học, đến với các lớp xóa mù chữ, lớp bình dân học vụ nói chuyện về dân trí để mọi người cố gắng học chữ, diệt dốt. Sau ngày Thủ đô giải phóng Hồ Đắc Điềm giữ cương vị Chánh án Tòa án Hà Nội, rồi Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội. Ông cũng có thời kỳ làm Phó Chủ tịch MTTQ TP Hà Nội, Trưởng ban bình dân học vụ Hội đồng nhân dân TP Hà Nội. Học viên của Hồ Đắc Điềm là các vị lãnh đạo các quận, huyện, công nhân cầu đường, vệ sinh, nông dân ngoại thành...Ông Điềm về dự Đại hội I MTTQ Việt Nam với tư cách đại biểu của MTTQ TP Hà Nội.
Em trai ông Điềm là Hồ Đắc Di - Tiến sĩ Y khoa. Nhiều thế hệ bác sĩ nước ta vẫn gọi giáo sư với cái tên trìu mến “Thầy Di”. Mặc dù đang được chính quyền trọng dụng nhưng ông từ bỏ cuộc sống của một đại trí thức thời Tây để đến với Cách mạng, lên chiến khu Việt Bắc và một lòng một dạ phụng sự khoa học, phụng sự đất nước. Ông là người đặt nền móng cho Trường Đại học Y Việt Nam, sau này Giáo sư là Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Y khoa của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa và nguyên Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam. Hiện nay có đường phố chạy qua Đại học Y Hà Nội mang tên Hồ Đắc Di.
Em trai ông Di là Tiến sĩ dược Hồ Đắc Ân. Ông Ân từng làm việc với nhóm bạn Nguyễn Văn Thủ, Hồ Thu, Phạm Ngọc Thạch, nhưng ông Ân không kịp cùng các bạn rút khỏi thành phố Sài Gòn ra bưng biền kháng chiến, ở lại Sài Gòn theo nghề dược, bào chế các loại thuốc từ nguồn dược liệu trong nước. Ông từ chối mọi lời mời của chính quyền Ngô Đình Diệm, chỉ hoạt động trong phong trào yêu nước của trí thức Sài Gòn. Hồ Đắc Ân về dự Đại hội MTTQ lần thứ I với tư cách đại diện cho giới nhân sĩ trí thức yêu nước Sài Gòn.
Bà Hồ Thị Hạnh, người em út trong gia đình, tuy chỉ học tại Trường Đồng Khánh (Huế) nhưng do chịu khó tự học, ham đọc sách, nên tinh thông chữ Pháp, chữ Hán, có vốn văn hoá phong phú. Ngay từ hồi trẻ bà Hạnh đã nổi danh vì có tài đối ứng thơ với Phan Bội Châu, khi cụ bị bắt giam lỏng ở Huế. Bà rất ngưỡng mộ cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, và tích cực tham gia Hội Từ thiện, Hội Nữ công… rồi dần trở thành vị chân tu đứng đầu giới nữ tu Việt Nam. Bà Hạnh có pháp danh Sư bà Diệu Không, nổi tiếng trong giới Phật tử Huế và miền Nam vì đã tham gia nhiều cuộc đấu tranh xuống đường tự thiêu của phật tử Huế chống chính quyền Mỹ-Ngụy. Người dân Huế cảm phục nhân cách, tấm lòng nhân hậu của bà. Bà tới dự Đại hội I MTTQ Việt Nam với tư cách đại diện cho giới Phật tử Huế.
Đại hội này vinh dự được đón Tổng Bí thư Lê Duẩn tới dự. Giờ giải lao, Tổng Bí thư đến thăm hỏi sức khỏe bốn anh em gia đình họ Hồ và nói: “Cụ Điềm là thày dạy lớp học ban đêm của tôi tại trường Hồ Đắc Hàm ở Huế”. Mọi người rất xúc động, vì người lãnh đạo cao nhất của Đảng vẫn còn nhớ người thầy dạy chữ cho mình từ thủa thiếu thời.
Tại đại hội này hai anh em Giáo sư Hồ Đắc Di - Chủ tịch Tổng Hội Y dược học Việt Nam và Hồ Đắc Ân - Tiến sĩ dược học, Phó Chủ tịch Hội trí thức yêu nước TP Hồ Chí Minh được bầu là UBTƯ MTTQ Việt Nam
***
Cả bốn vị trí thức tên tuổi trên đều là con cụ Hồ Đắc Trung, một đại thần triều Nguyễn. Khi làm quan, cụ Hồ Đắc Trung đã nhiều lần tỏ cảm tình và có động thái ủng hộ các lực lượng yêu nước chống thực dân Pháp. Theo hồi ký của Sư bà Diệu Không, lúc làm Tổng đốc Nam-Ngãi, khi Trần Cao Vân và Thái Phiên bị bắt trong phong trào chống thuế, bọn Pháp định xử án tử hình, nhưng cụ Trung đã bảo lãnh xin cho hai người khỏi phải “chết chém”. Cụ Hồ Đắc Trung còn có mối quan hệ thân thiết và có cảm tình đặc biệt với vua Duy Tân, vị vua tuổi rất trẻ nhưng có tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp quyết liệt.
Kể lại việc cha mình Hồ Đắc Trung thảo tờ trình về cái án của vua Duy Tân theo lệnh Toà Khâm, Sư bà Diệu Không viết: “Ông cụ tôi về nhà, dở khóc dở cười. Chiều hôm ấy cụ chỉ nằm khóc, bỏ cả cơm nước, mẹ tôi phải an ủi, động viên mãi, ông cụ mới ngồi dậy và suốt đêm hôm đó, cụ ngồi viết mãi, viết hoài… Đại thể bản án hay ở chỗ là khen Vua có lòng ái quốc, chỉ vì tuổi còn nhỏ, nên đã làm sai đường lối mà nước Pháp muốn mở mang cho Việt Nam”. Với bản án có tình có lý ấy, vua Duy Tân thoát tội chết, nhưng bị đày ở đảo Réunion trên Ấn Độ Dương.
Cụ Hồ Đắc Trung còn có cảm tình đặc biệt với gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc. Năm 1910, khi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc làm tri huyện Bình Khê (Bình Định), do “thẳng tay trừng trị bọn cường hào sâu mọt vốn là thủ hạ của một số thế lực trong Triều", quan tri huyện lại có lần “sơ ý” để một số chính trị phạm trốn thoát… đã bị bãi chức kèm theo án “phạt tiền 10 nén bạc và bị đánh đòn 100 trượng, đuổi về Nghệ An”. Cụ Hồ Đắc Trung đã cùng cụ Cao Xuân Dục đứng ra xin cho cụ Phó bảng khỏi bị phạt đòn và được phép cư trú tự do ngoài kinh thành Huế…”
Trong gia đình cụ Hồ Đắc Trung không chỉ có bốn người con kể trên làm nên sự nghiệp lớn. Trong 10 người con của cụ (6 trai, 4 gái), còn có ông Hồ Đắc Khải - người anh cả, đậu cử nhân Hán học, là anh rể của bác sĩ Tôn Thất Tùng. Ông Khải làm quan đến chức Thượng thư Bộ Hộ triều đình Huế. Ông Hồ Đắc Liên sau khi tốt nghiệp kỹ sư mỏ-địa chất tại Pháp, về làm việc tại Đà Nẵng, được Bác Hồ mời tham gia đoàn dự Hội nghị Fon-tainbleaux - năm 1946. Sau đó, ông lên chiến khu Việt Bắc lo việc đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, từ năm 1951 - 1954 giảng dạy tại Trường Dự bị Đại học tại Thanh Hoá cùng các trí thức nổi tiếng như Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy. Từ năm 1955, ông được cử làm Giám đốc Nha Địa chất (tiền thân của Tổng cục Địa chất) cho đến lúc qua đời - năm 1957.