‘Đóng băng’ Hà Nội ngày tháng cũ
Hà Nội mang bên trong một nỗi nhớ thẳm sâu, nơi miền khắc khoải, để người Hà Nội khi chia xa, thường thao thức nhớ về. Sinh ra ở Hà Nội, trưởng thành nơi phố thị, Nhạc sĩ Trần Tiến dù bao năm xa quê hương, ông vẫn rớm nước mắt khi nhắc về Hà Nội.
Mỗi khi có dịp ngồi cùng bạn bè thân thiết nơi quán quen, ông cầm đàn lên, hát say sưa về Hà Nội, giữa không gian man mát lạnh buồn, bên những gương mặt nhẹ nhàng an nhiên: “Hà Nội đầu ô, một chiều đầy gió một người không nỡ quay về. Hà Nội lòng tôi, giấc mơ xa vời của người xa quê. Ai ơi sống gửi thác về”.
Còn với Đỗ Phấn, từng trang viết của ông, thường cố tình kéo bạn đọc vào bối cảnh phố phường đôi khi xen kẽ làng xã, dù ẩn hiện trong giấc mơ qua hay tiềm thức nào đó tưởng phôi pha. Nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ: “Hơn hai chục cuốn sách đã in và vài cuốn nữa đang in tôi vẫn chỉ viết về một đề tài thị dân và đời sống đô thị. Đơn giản vì hầu như cái gốc gác quá xa của tôi về một làng quê nay chẳng còn được bao nhiêu trong kí ức. Hay nói một cách ngắn gọn hơn, tôi không có một quê hương thứ hai nào để mà yêu thương, tưởng nhớ hay ca ngợi. Gần bảy mươi năm sống ở Hà Nội, tôi tự tin về những trải nghiệm của mình với thành phố này. Khi viết, câu chữ tự nó gọi nhau ra miên man như thế thôi. Đó là một thế mạnh nhưng cũng là một khiếm khuyết”.
Với nhà văn Đỗ Phấn, Hà Nội không chỉ đẹp đẽ về mặt hình ảnh. Sau gần 40 năm cầm bút vẽ, ông đã cố gắng miêu tả nó và đã có những thành công nhất định. Nhưng chợt một hôm, ông phát hiện ra rằng cái mà mình chưa thể nói được bằng hình ảnh mới chính là cái phần quan trọng nhất làm nên Hà Nội. Đó là cách sống của con người ở đất này. Vì phát hiện ấy, Đỗ Phấn quyết định bắt tay vào viết khi tuổi đời đã tròm trèm 50. Và công việc này cuốn ông đi gần 20 năm với 30 đầu sách viết về Hà Nội đã ra đời.
Hoạ sĩ Phạm Bình Chương, anh đã khắc kí ức Hà Nội sâu thẳm lên từng bức tranh về phố. Những bức tranh đầu, hoạ sĩ Phạm Bình Chương đến với Hà Nội như một sự tự nhiên, vẽ vì thích... Dần dần, anh mới thấy vẻ đẹp đặc biệt, riêng biệt của thủ đô văn hiến. Trong tranh của hoạ sĩ Phạm Bình Chương, những ngôi nhà cổ truyền thống Hà Nội, hay như chính kiến trúc gọi là “nhà Pháp” lại không hề giống Paris hay các nước thuộc địa khác mà nó phù hợp với khí hậu nóng ẩm miền Bắc và dành riêng cho người Việt Nam với cửa sổ trong kính ngoài chớp, các chi tiết trang trí chỉ mức độ vừa phải, không quá cầu kỳ. Tường thì chỉ quét vôi tối đa không quá hai màu sơn. Nhà thường hai tầng với ban công sắt uốn. Cùng với cây cổ thụ, chúng hòa hợp tạo ra vẻ thanh lịch và gần gũi… Trong từng tác phẩm của mình, hoạ sĩ Phạm Bình Chương mong bảo tồn những kỷ niệm, ký ức của Hà Nội: “Khung cảnh được vẽ hôm nay chắc gì tháng sau còn. Hà Nội đang mất dần vẻ đẹp của mình trong sự giàu có. Nghèo còn giữ được, kinh tế phát triển là mất liền. Tôi “đóng băng” Hà Nội để rồi sau này con cháu mình nhìn vào sẽ thấy được cái hồn của thủ đô”.