Pháp luật

Hành vi như thế nào được coi là bạo hành đối với trẻ em?

Anh Quang 19/10/2024 09:36

Theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016: “Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác” và tại khoản 6 Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016: “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần trẻ em”.

Quyền trẻ em là một chế định đã được ghi nhận tại Hiến pháp, theo đó “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em” (khoản 1 Điều 37 Hiến pháp năm 2013).

Hành vi bạo lực trẻ em là một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016. Do đó, hành vi bạo lực trẻ em sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà hành vi bạo lực trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 22 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em quy định về mức xử phạt đối với hành vi bạo lực trẻ em có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Buộc phải khắc phục hậu quả: Chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này; Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi vi phạm tại điểm d khoản 1 Điều này”.

Về xử lý hình sự, hành vi bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như: Tội hành hạ người khác (Điều 140), Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác (Điều 134), Tội vô ý làm chết người (Điều 128), Tội giết người (Điều 123), Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185)…

Anh Quang