Văn hóa

Muốn ra sân chơi toàn cầu, phải tôn trọng bản quyền

Hà Thành (thực hiện) 19/10/2024 09:37

Hướng đến phát triển công nghiệp văn hóa, không thể không làm tốt vấn đề bảo vệ bản quyền nói chung, bản quyền âm nhạc nói riêng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện nay những vấn đề liên quan tới bản quyền âm nhạc trên không gian mạng ngày càng trở nên phức tạp.

PV Báo Đại Đoàn Kết đã cuộc trao đổi với nhạc sĩ Hoài An xung quanh vấn đề này.

anhtren(1).jpg
Nhạc sĩ Hoài An.

PV: Hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc từ nhiều năm qua, nhạc sĩ có thể chia sẻ về thực trạng xâm phạm bản quyền âm nhạc trong môi trường số hiện nay?

Nhạc sĩ Hoài An: Hiện nay trên các nền tảng số, mạng xã hội có khá nhiều vi phạm bản quyền âm nhạc, cụ thể là quyền tác giả và quyền liên quan.

Các vi phạm quyền tác giả thường gặp nhất là: kinh doanh tác phẩm khi chưa xin phép tác giả hoặc đại diện được tác giả ủy quyền; không kê khai đầy đủ danh mục nhạc phẩm đã sử dụng; thực hiện, kinh doanh tác phẩm phái sinh khi chưa có sự đồng ý của tác giả, đại diện được tác giả ủy quyền; kinh doanh ngoài phạm vi được cấp phép… Việc thu quyền tác giả đối với lĩnh vực biểu diễn còn khó khăn, do một số đơn vị thực hiện chương trình biểu diễn xong thì chậm trễ trong việc thanh toán quyền tác giả.

Có nhiều tình huống còn “nhận vơ” những tác phẩm dân ca, với những câu nhạc đã thành tài sản chung của dân tộc. Những đơn vị này “nhanh tay” đăng ký bản quyền phần âm nhạc dân ca họ có trên hệ thống bản quyền của một vài nền tảng, sau đó “quét bản quyền” tất cả những bản ghi khác, để thu lợi… Quyền liên quan cũng bị vi phạm rất nhiều, phức tạp nhất là trường hợp ca sĩ khi ký hợp đồng đã cho phép các kênh phát hành toàn quyền sử dụng sản phẩm, bao gồm cả quyền tác giả (thuộc nhạc sĩ) và quyền liên quan ngay cả khi nhạc sĩ là người đầu tư (trả hết chi phí studio, nhạc nền, ca sĩ). Một số nhạc sĩ rất bức xúc khi phát hiện nhạc do họ sản xuất nắm đủ các quyền lại được rao bán trên các nền tảng thương mại lớn…

Hiện nay hầu hết các nhạc sĩ đã ủy thác Quyền tác giả cho VCPMC - Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, để đại diện các nhạc sĩ bảo vệ quyền lợi (sở hữu trí tuệ). Dù VCPMC còn non trẻ so với các tổ chức bảo vệ bản quyền của khu vực và thế giới, nhưng tốc độ phát triển là vô cùng ấn tượng, đặc biệt là công tác bảo vệ bản quyền âm nhạc trên các nền tảng số.

Thực trạng nhạc sĩ vừa nêu ra nói lên điều gì?

- Một vài quy định về thực hiện bản quyền âm nhạc trong lĩnh vực biểu diễn có lẽ chưa bám đúng thực tế. Một số công ty vì vậy không nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thanh toán bản quyền âm nhạc khi sử dụng tác phẩm của các nhạc sĩ. Những điều này làm khó công tác bảo vệ bản quyền, thiệt hại cho các nhạc sĩ… Các mức phạt về vi phạm bản quyền theo tôi có lẽ chưa đủ nặng? Với các nước phát triển, một vụ vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cả về kinh tế và danh tiếng.

Trước hàng loạt sự việc về quyền tác giả xảy ra gần đây, theo nhạc sĩ, người làm nghề, ngoài chuyên môn phải trang bị thêm những gì?

- Đã có khá nhiều hội thảo về bản quyền cũng như những thông tin bản quyền mà VCPMC vẫn thường xuyên cập nhật cho các tác giả. Báo chí viết về bản quyền cũng không ít. Tuy nhiên cuộc sống vận động không ngừng, khoa học công nghệ làm thay đổi cách chúng ta sống - làm việc - giải trí. Nên kiến thức về bản quyền cũng đổi mới liên tục, cũng như đảm bảo nguyên tắc cơ bản tác giả là chủ sở hữu tài sản trí tuệ (ở đây là các nhạc phẩm)…

Tôi vẫn thường tự nhắc mình, phải đọc thật kỹ trước khi ký hợp đồng, nếu có điểm nào chưa hiểu thì khoan ký; các hợp đồng lớn thường rất phức tạp. Các điểm cơ bản cần chú ý là: thời gian sử dụng tác phẩm, có điều kiện gia hạn tự động không; bao nhiêu kênh phát hành, cụ thể là những kênh nào; phải có điều kiện “đảm bảo tính toàn vẹn” của tác phẩm.

Là một trong những tác giả có hợp đồng ủy quyền với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sớm nhất, theo anh việc bản quyền tác giả đã giúp cho quyền lợi của các nhạc sĩ như thế nào?

- Do đã ủy quyền VCPMC nên hầu như tôi không phải “nhức đầu” như trước đây khi phải đi sâu vào những việc không phải là chuyên môn của mình. Ở đó có đội ngũ pháp chế sẵn sàng tư vấn cho các nhạc sĩ thành viên. Cá nhân tôi yên tâm sáng tác, không còn quá nặng nề cơm-áo-gạo-tiền. Tôi rất thích câu slogan của VCPMC là “Sáng tạo dồi dào, lợi ích đảm bảo”. Câu này có vần có điệu, và vô cùng thực tế.

Như album Sử Ca (Hồn Việt) tôi theo đuổi hơn 20 năm, và thêm rất nhiều những chương trình khác tôi làm, đều có chỗ dựa là VCPMC. Tôi cũng như các anh chị em nhạc sĩ, không thể tự ra Lạng Sơn hay vào Cà Mau để thương thảo rồi thu bản quyền từng bài được. Đó là cách nói ví von hình ảnh cho dễ, chứ công tác bản quyền phức tạp hơn nhiều.

Việc bảo vệ bản quyền không chỉ có lợi cho các nhạc sĩ, giúp họ có thêm cảm hứng sáng tác mà còn có lợi cho các nhà tổ chức, công ty kinh doanh âm nhạc chuyên nghiệp và nghiêm túc.

Hướng đến phát triển công nghiệp văn hóa, không thể không làm tốt vấn đề bảo vệ bản quyền nói chung, bản quyền âm nhạc nói riêng. Theo nhạc sĩ việc thực thi pháp luật trong xử lý những trường hợp vi phạm bản quyền âm nhạc cần được thực hiện ra sao?

- Cá nhân tôi nghĩ, mọi hành vi sử dụng bản quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bản quyền âm nhạc nói riêng cần được xin phép chủ sở hữu, quan trọng nhất là thỏa thuận và thanh toán chi phí bản quyền trước khi thực hiện chương trình biểu diễn, hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, có thể nâng cao mức phạt vi phạm bản quyền; phổ biến các thông tin, hướng dẫn việc thực hiện bản quyền… Thực hiện bản quyền chính là sự tôn trọng chủ sở hữu tác phẩm, và tôn trọng chính ngành nghề (âm nhạc) mình kinh doanh. Muốn tiến ra sân chơi khu vực, hay toàn cầu… lại càng phải tôn trọng bản quyền.

- Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!

Hà Thành (thực hiện)