Kinh tế

Chuyển đổi kép để phát triển bền vững

Lê Bảo 19/10/2024 09:40

Xu thế chuyển đổi số thúc đẩy chuyển đổi xanh nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững là tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Đây được đánh giá là yếu tố sống còn, là năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế và doanh nghiệp.

anhthay(1).jpg
Chuyển đổi số còn là yếu tố then chốt thúc đẩy chuyển đổi xanh. Ảnh: Quang Vinh.

Cơ hội đen xen thách thức

Chia sẻ về quá trình triển khai chuyển đổi kép (chuyển đổi số song hành với chuyển đổi xanh) tại Diễn đàn Kinh tế mới Việt Nam mới đây, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu khó khăn, song cũng có thể “chắp cánh” cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển ở cả thị trường quốc tế và trong nước.

Dẫn chứng, bà Minh cho biết, gần 10 năm trước, Việt Nam đã tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và nhận thức đây sẽ là cơ hội quan trọng để Việt Nam thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đến nay, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Việt Nam đã liên tục cải thiện vị thế trong xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đặc biệt trong năm 2024, nước ta có 3 chỉ số đứng đầu thế giới, bao gồm chỉ số nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.

Cũng giống như quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã tạo ra những cạnh tranh, thách thức rất lớn cho doanh nghiệp. Trên lộ trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức chung như chuyển đổi kép cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, Net Zero trong phát triển năng lượng…

Chia sẻ về những thách thức trong quá trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh, ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Vũ Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PPJ Group cho biết, quá trình triển khai doanh nghiệp nhận được nhiều sự trợ giúp từ các chính sách, chủ trương của Nhà nước.

Tuy nhiên, chuyển đổi kép đều là thử thách, và thử thách này có thể bị khuếch đại nhiều lần đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiềm lực hạn chế. Chi phí đầu tư cho công nghệ, chi phí đầu vào của sản xuất khiến giá thành sản phẩm tăng cao so với truyền thống, và không phải thương hiệu nào cũng sẵn sàng chi trả cho khoản chênh lệch này.

“Tại PPJ Group, 5 năm qua đã đầu tư tới 5 triệu USD cho phần cứng và phần mềm và hàng chục triệu USD cho chuyển đổi xanh. Con số này sẽ chưa dừng lại. Chi phí chuyển đổi kép rất lớn nhưng cái giá cho chậm chuyển đổi và không chuyển sẽ lớn hơn nhiều lần", ông Đặng Vũ Hùng cho biết.

Công cuộc chuyển đổi kép

Theo các chuyên gia, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cần đạt mức tối thiểu từ 6-6,5% liên tục trong vòng 20 năm tới đây. Điều này cần sự đột phá trong cải cách, cơ chế chính sách nhằm tạo nền tảng, động lực mới, từ đó mới có thể phát huy tính vượt trội của các mô hình kinh tế mới, đồng thời thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, xu thế chuyển đổi số thúc đẩy chuyển đổi xanh nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững là tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Điều này đặt ra cho mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp phải hoạch định những bước đi chiến lược nhằm phát huy tính đột phá và tính cơ hội của hai cuộc cách mạng này cho mục tiêu tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Đây là yếu tố sống còn, là năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế và doanh nghiệp.

TS Trần Thị Hồng Minh cho rằng việc xây dựng các chính sách phục vụ quá trình chuyển đổi kép hiện còn gặp nhiều khó khăn. Bởi thực tế cho thấy cộng đồng doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Dù đã ít nhiều đạt được thành công trong quá trình chuyển đổi kép song theo ông Đặng Vũ Hùng, việc triển khai tín dụng xanh vẫn còn nhiều rào cản do khung pháp lý chưa được hoàn thiện và cụ thể hóa. Đặc biệt là chưa có những tiêu chí cụ thể và minh bạch để xác định tính “xanh” của các dự án, làm căn cứ để cấp tín dụng xanh cho doanh nghiệp.

Cũng đề cập đến tài chính cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Việt Nam, chuyên gia HSBC Việt Nam đánh giá chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ giúp Việt Nam mở đường cho tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, nguồn lực cho quá trình chuyển dịch này ước tính lên tới hàng trăm tỷ USD...

Do vậy, các nhà hoạch định chính sách cần tập trung vào ba lĩnh vực chính: định giá các-bon và cải cách trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và sử dụng đất, các quy định và cơ chế khuyến khích huy động tài chính và thúc đẩy năng lượng sạch hơn, và bảo trợ xã hội và hỗ trợ việc làm để bảo đảm công bằng.

Lê Bảo