Mặt trận

Dư âm Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X: Lan toả quyết tâm và khát vọng cống hiến

CẨM THÚY 20/10/2024 10:05

Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X đã khép lại, nhưng vẫn còn những dư âm, những trăn trở.

111.jpg
Đại biểu dự Đại hội chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Lê Khánh.

Xóa đói giảm nghèo - khó mấy cũng phải làm

Cuộc vận động Ngày vì người nghèo là một trong những hoạt động quan trọng của công tác Mặt trận những năm qua. Bên hành lang Đại hội, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt chia sẻ rằng đây là mối quan tâm của ông trong nhiều năm. Xóa đói giảm nghèo, chăm lo cho người nghèo là thể hiện tính ưu việt của chế độ. Nên phải quyết tâm làm bằng được.

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam: Từ trong tiềm thức dân gian, người Việt Nam đã có khát vọng vươn mình như Phù Đổng

1-4-.jpg

Thông điệp từ Đại hội về một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ rằng khiến ông liên tưởng đến hình ảnh một vị Tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, hình ảnh Thánh Gióng vươn mình nhổ tre đánh giặc. Như vậy, từ trong tiềm thức dân gian, người Việt Nam đã có khát vọng vươn lên, có sức mạnh Phù Đổng. Cho nên, hoàn toàn tin tưởng rằng trong thời đại công nghệ phát triển, người Việt Nam với khát vọng vươn lên sẽ đủ sức mạnh bước vào một kỷ nguyên mới, đưa đất nước phát triển hùng cường.

Đây cũng là mối quan tâm đặc biệt của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Trong một lần tiếp xúc cử tri tại Nghệ An, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đã khẳng định: “Với vai trò là Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, tôi sẽ dành tâm sức đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, cứu trợ nhân đạo để giúp đỡ người yếu thế, người còn nhiều khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Năm 2023, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến thay mặt Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát động cuộc vận động làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên. Vậy là chỉ trong 9 tháng, cho tới tháng 5/2024, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 5000 căn nhà cho người nghèo tỉnh Điện Biên đã hoàn thành.

Ngay sau khi bế mạc Đại hội X, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đã trả lời báo chí: Quyết tâm năm 2025, xoá xong nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, cận nghèo trên phạm vi cả nước. Lý giải về việc vì sao lo cho người nghèo lại phải lo nhà trước, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng: “Trong các khó khăn của người nghèo, nghèo về nhà ở là điều cần quan tâm đầu tiên vì an cư thì mới lạc nghiệp, sau đó là các sinh kế khác". Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định như một quyết tâm: "Cả hệ thống chính trị vào cuộc chúng ta chắc chắn sẽ làm được. Vì khó khăn như Điện Biên mà trong 8 tháng MTTQ Việt Nam đã làm được 5.000 căn nhà thì với quyết tâm rất cao, tôi tin rằng chúng ta sẽ xóa được hết nhà tạm, nhà dột nát vào năm 2025, góp phần vào công tác xoá đói giảm nghèo”.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng cho biết, tuy công cuộc xóa đói giảm nghèo của chúng ta đã đạt được những thành tựu rất đáng kể, thế giới nể phục nhưng bây giờ việc giảm nghèo khó hơn trước vì số người nghèo còn lại rất khó thoát nghèo. Cho nên, theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, đây là giai đoạn cần phần loại cụ thể hơn nữa. Có những người, những hộ gia đình không thể thoát nghèo được thì phân loại để chuyển sang chế độ “trợ cấp xã hội”. Những trường hợp này không thống kê vào hộ nghèo nữa mà xác định rõ là cần trợ cấp, mà mức trợ cấp xã hội cũng cần được nâng lên để họ có cuộc sống ổn định.

cai-app(1).jpg
Hướng dẫn Đại biểu cài app Đại hội.

Thu hút nhân sĩ, kiều bào

Trong các ý kiến của các nhân sĩ, trí thức, kiều bào, có những trăn trở về thu hút và trọng dụng người tài, về phát huy vai trò của các Hội đồng tư vấn. Phát biểu tại Đại hội, ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu cho rằng cần quan tâm, hỗ trợ giữ gìn văn hóa Việt và tiếng Việt ở nước ngoài. Muốn vậy, phải tăng cường tổ chức các lớp học tiếng Việt theo hình thức trực tuyến và trực tiếp; cử thêm giáo viên dạy tiếng Việt, hỗ trợ giáo trình, tài liệu, giáo cụ cho con em người Việt Nam ở nước ngoài ở sở tại; tăng cường chương trình liên kết, trao đổi sinh viên Việt Nam với các nước.

Ông Thắng đề xuất cần tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối mạng lưới trí thức Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan, địa phương trong nước; tạo diễn đàn quy mô lớn cho chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ sáng kiến, đề xuất, kiến nghị với Nhà nước; tạo điều kiện cho kiều bào ta về nước làm việc, cống hiến, có chính sách trọng dụng các nhà khoa học, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

Về các chính sách pháp luật, ông Thắng cho rằng trong thời gian qua nhiều chính sách, pháp luật đã được ban hành, có tính đến quyền lợi và tạo điều kiện cho kiều bào tham gia nhiều mặt trong đời sống kinh tế xã hội trong nước. Đặc biệt, trong năm 2023 và 2024 đã có bước tiến trong chính sách về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, giúp tháo gỡ vướng mắc khó khăn và huy động nguồn lực của kiều bào cho phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực quốc tịch, ông Thắng kiến nghị sớm có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào ta được trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài. Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi chính sách quốc tịch đối với người nhập cư, trước đây họ chỉ cho phép mỗi người mang một Quốc tịch, hiện nay rất nhiều quốc gia đã có chính sách đa quốc tịch. Do đó nhiều bà con người Việt đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để vào quốc tịch nước ngoài trước đây đến nay có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài.

Trả lời báo chí quan điểm cá nhân về vấn đề này, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết ông đã trực tiếp tìm hiểu khảo sát tâm tư nguyện vọng của kiều bào. Và nhận thấy cần phải xem xét căn cứ vào quy định của pháp luật. Đó không phải chỉ là vấn đề cảm tính.

Mong muốn Mặt trận kiến nghị các giải pháp phát huy trí tuệ của người Việt Nam trong và ngoài nước để góp phần xây dựng đất nước phát triển hùng cường cũng là ý kiến của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức. Ông cho rằng, chỉ khoa học công nghệ và công nghệ cao mới tạo ra giá trị toàn cầu. Đưa công nghệ cao trở thành đòn bẩy để đất nước đi lên. Để làm được điều đó cần huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy thế mạnh của Mặt trận, trong đó tập hợp được đội ngũ trí thức, kiều bào.

Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029 với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển" đã diễn ra từ ngày 16 - 18/10/2024 tại thủ đô Hà Nội.
Đại hội đã thảo luận, xem xét nhiều nội dung quan trọng và đề ra 6 Chương trình hành động trong nhiệm kỳ mới.
Đại hội đã thông qua số lượng Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 gồm 405 vị, Đoàn Chủ tịch gồm 72 vị, Ban Thường trực gồm 6 vị; Phó Chủ tịch không chuyên trách gồm 8 vị.

CẨM THÚY