Xã hội

Đổi thay ở huyện vùng cao A Lưới

Nguyễn Quốc 20/10/2024 10:45

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện A Lưới đã chính thức thoát nghèo trước thời hạn 1 năm. Giờ đây, huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã “thay da đổi thịt”, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân ngày một nâng cao.

z5896898777720_00a47c0724c10a5b2bcbc8b4b9593be1.jpg
Đến nay huyện A Lưới đã hỗ trợ xoá nhà tạm cho hàng nghìn hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ảnh: N.Q.

Hàng nghìn hộ dân được hỗ trợ nhà ở

Từ khi Chính phủ phê duyệt vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025, huyện miền núi A Lưới tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Qua kết quả rà soát đến cuối năm 2023, toàn huyện A Lưới còn 3.485 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 24,3%. Trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số 3.405 hộ, chiếm 97,7%; hộ nghèo không có khả năng lao động 172 hộ, chiếm 4,9%; hộ nghèo có công cách mạng 248 hộ, chiếm 7,1%. Theo kế hoạch, đến năm 2024 giảm 1.426 hộ nghèo, còn lại 2.057 hộ, tương ứng 14,3%.

Được sự quan tâm của tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, các cấp, ngành, tình hình kinh tế - xã hội phát triển ổn định, các lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được thực hiện có hiệu quả; các hoạt động văn hóa, văn nghệ được quan tâm tổ chức thực hiện, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng về văn hóa tinh thần của nhân dân.

Nhờ sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, A Lưới đã có những thay đổi đáng kể. Cơ sở hạ tầng nông thôn, điện, đường, trường, trạm được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hóa, nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.

411088303_750914130413128_4207020156292330912_n.jpg
Nhiều mô hình phát triển kinh tế ngày càng được nhân rộng, đời sống của người dân ngày được nâng lên. Ảnh: A.L.

Đến năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.279 tỷ đồng/năm; thu ngân sách đạt 26,930 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 35,22 triệu đồng/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 40,01%, công tác tạo việc làm được các cấp chính quyền quan tâm, ý thức của người lao động nâng cao, mỗi năm tạo việc làm mới bình quân 758 lao động.

Toàn huyện có tổng số hộ nghèo thiếu nhà ở đã được phê duyệt là 3.955 nhà, với tổng kinh phí 220,710 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ theo chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 1.891 hộ với kinh phí 97,260 tỷ đồng. Đến nay, UBND huyện A Lưới đã triển khai hỗ trợ nhà ở cho 3.786 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí hơn 215,320 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 122,840 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 49,420 tỷ đồng, dự án Làng hòa bình Việt Nam – Hàn quốc hỗ trợ 13,400 tỷ đồng, các nguồn xã hội hóa khác là 29,660 tỷ đồng.

Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo

z5802601714810_d63a2f98b9ca0d9feb94626b57075ac8.jpg
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, huyện A Lưới được Thủ tướng công nhận thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn năm 2024. Ảnh: N.H.

Là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện A Lưới, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương xã Quảng Nhâm đã huy động, sử dụng tốt các nguồn lực hỗ trợ cho giảm nghèo, chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng, lồng ghép hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đó, kết quả giảm nghèo đều đạt được các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra.

Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cũng đã và đang được triển khai như: trồng chuối già lùn, trồng nấm, sâm bố chính, chăn nuôi trang trại bò, lợn hữu cơ... Điển hình như mô hình trồng chuối già lùn của ông Nguyễn Hải Teo (trú tại thôn Pi Ây 2), xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới đem lại hiểu quả kinh tế cao.

Năm 2018, qua tìm hiểu và biết được giống chuối già lùn thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất A Lưới, ông Teo đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi để phát triển mô hình trồng chuối già lùn.

z5806382992606_942c55fb76c830dbc9601e1afef67f26.jpg
Bộ mặt nông thôn huyện A Lưới ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần được nâng cao. Ảnh: N.Q,

Theo ông Nguyễn Hải Teo, được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, cũng như việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, bón phân hữu cơ nên đã đem lại năng suất cao. Từ vụ chuối đầu tiên cho thu nhập cao, ông Teo mở rộng trồng thêm hàng nghìn gốc chuối già lùn. Đến nay, vườn chuối của gia đình ông mỗi năm thu hoạch lãi hơn 100 triệu đồng.

Từ mô hình trồng chuối già lùn mang lại hiệu quả kinh tế cao của ông Nguyễn Hải Teo, nhiều người dân ở xã Quảng Nhâm và các hộ dân là người đồng bào dân tộc Pa Cô ở các xã và thị trấn trên địa bàn huyện A Lưới đã vay vốn mở rộng diện tích trồng chuối già lùn. Sau khi trừ đi mọi chi phí, bình quân mỗi ha chuối già lùn đã mang lại thu nhập từ 70-100 triệu đồng cho các hộ dân. Nhờ đó, nhiều người dân trên địa bàn đã có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Bà Hồ Thị Thuỷ, Bí thư Đảng uỷ xã Quảng Nhâm cho biết, xác định mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, địa phương đã đề ra những biện pháp, giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Đến nay, toàn xã có 451 hộ được hỗ trợ về nhà ở, trong đó Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững hỗ trợ 179 nhà, Chương trình 1719 hỗ trợ 209 nhà và nguồn nhà theo Quyết định 22 và xã hội hoá khác là 69 nhà. Đời sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần trên địa bàn xã Quảng Nhâm ngày càng được nâng lên, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, vừa qua Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

“Việc huyện A Lưới được công nhận thoát khỏi huyện nghèo quốc gia trước thời hạn 1 năm là cả quá trình nỗ lực, quyết tâm, đồng lòng của hệ thống chính trị và người dân huyện A Lưới. Đặc biệt, việc lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ các Chương trình MTQG, công tác tuyên truyền để người dân tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo là một trong những tiền đề quan trọng để địa phương đạt được những kết quả trên”, ông Hùng khẳng định.

Theo ông Hùng, quan điểm thực hiện chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện A Lưới là bám sát thực trạng, nhất là các tiêu chí, tiêu chuẩn về giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện; xác định rõ nguyên nhân nghèo và có phương án thoát nghèo theo địa chỉ cụ thể cho từng hộ nghèo.

“Chính vì điều đó, nên kết quả giảm nghèo trên địa bàn huyện A Lưới là thực chất và bền vững. Huyện đang và tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp giảm nghèo và an sinh xã hội”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian tới, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thuộc nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân; thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường công tác giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh thực hiện công tác lao động, việc làm; tổ chức thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo các chính sách hỗ trợ của nhà nước; phát huy ý chí tự lực, tự cường và vươn lên của các hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm thoát nghèo bền vững...

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá, A Lưới được công nhận thoát nghèo là một mốc son đáng tự hào trong hành trình phát triển của huyện và cũng là niềm vui chung của toàn tỉnh. Đây không chỉ là thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và Nhân dân huyện A Lưới, mà còn là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những cố gắng của toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Phương đề nghị, địa phương duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đưa huyện A Lưới ngày càng phát triển góp phần xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nguyễn Quốc