Những bóng hồng mùa biển động
Khác với nhiều làng biển miền Trung hay Bắc Trung bộ, những tháng cuối năm mùa mưa bão lại là thời gian đánh bắt chủ yếu của ngư dân Nam Trung bộ, bao gồm dải đất trải dài từ Bà Rịa - Vũng Tàu cho tới Bình Thuận… Trong không khí nhộn nhịp, dù không trực tiếp lên ghe thuyền đánh bắt nhưng người phụ nữ, những bóng hồng nơi làng biển lại là một phần quan trọng, một mảnh ghép cuộc sống ven biển đầy nhọc nhằn, vất vả.
Ba mươi năm nơi cửa sông Luỹ
Là một dòng sông nhỏ nhưng từ hàng trăm năm qua, sông Luỹ khi chảy ra biển đã tạo lên một trong những làng biển lâu đời và nhộn nhịp nhất của dải đất Nam Trung bộ, làng biển Phan Rí Cửa thuộc địa giới hành chính thị trấn Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Dù có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và cách xa các đô thị lớn như Phan Rang, Phan Thiết nhưng làng biển Phan Rí Cửa lại rất đông đúc, quy tụ hàng trăm ghe thuyền với nhiều nghề đánh bắt ven bờ và cả khơi xa. Những ngày biển động là thời gian “kiếm bộn” của hầu hết ghe thuyền. Tuỳ từng ghe, từng nghề nhưng thời gian này, ghe thuyền hầu hết ở trên biển, chỉ “nằm bờ” một đêm nghỉ ngơi và lấy đá, xăng dầu, nhu yếu phẩm… Khoảng thời gian này cũng là lúc những người phụ nữ làm nghề chèo đò ở Phan Rí Cửa tất bật với công việc của mình nhất. Do các ghe thuyền lớn neo đậu cách bờ một đoạn nên cần những ghe nhỏ do phụ nữ chèo tay để đưa người ra vào. Bà Nguyễn Thị Tám, 56 tuổi nhưng đã hơn 30 năm gắn bó với công việc chèo ghe này kể, bà sinh ra và lớn lên ở bên Hoà Da nhưng từ nhỏ đã quen thuộc với cuộc sống ở Phan Rí Cửa. “Công việc cũng đơn giản lắm, chỉ chèo ghe đưa người từ đây ra ghe thuyền lớn neo đậu mà thôi. Khoảng cách có khi chỉ vài chục mét, có lúc năm trăm mét nhưng giá thì giống nhau, chỉ đúng 5.000 đồng mỗi lượt đi về như thế. Ở đây không chỉ có tôi đâu, mà hơn mười chị em nữa cũng làm nghề này. Bất kể mưa gió, sớm chiều gì mình cũng đưa người đi về hết cả. Thời gian này, ghe thuyền họ neo đậu để ăn xăng, ăn đá một đêm rồi sáng là ra khơi nên nhiều khách đi ghe lắm. Có ngày tôi kiếm được một trăm hai mươi ngàn đó”, bà Tám chia sẻ.
Cũng theo bà Tám, khách hàng của bà cũng có khi là người thân, thậm chí cả ba người con trai bà cũng làm nghề biển hay những người trong xóm, trong ấp. Tất nhiên là đều quen biết nhau. Vì thế, nhiều người thường trả bà “tiền bao tháng” khi đưa đón như vậy. Và mỗi tháng như vậy, bà cho biết lấy đúng 50.000 đồng cho tất cả các chuyến đi ra và về ở ghe. Mỗi chuyến biển của ghe thuyền lớn có khi 2 - 3 ngày, thậm chí tới 4 - 5 ngày nên một tháng có khi chỉ di chuyển trên ghe chèo như vậy hơn chục lần mà thôi. “Ở đây ngoài đưa người thì có lúc mình cũng đi mua hàng hoá, đồ ăn cho các chú trên ghe nữa. Nhiều ghe họ neo đậu ở đây 1, 2 ngày để sửa chữa rồi mới ra khơi, có vài người ở lại trông ghe nên nhờ sang thị trấn mua đồ nữa. Tất nhiên tiền công đều tự thoả thuận mà thôi. Nếu ghe đậu gần bờ thì chỉ 5.000 đồng nhưng có ghe đậu tuốt phía bờ kè thì phải mất 10.000 đồng vậy”, bà Tám kể thêm.
Nhưng những người làm nghề đưa ghe đò này không chỉ có bà Tám mà hơn chục người phụ nữ khác nữa, vì nhiều lý do vẫn gắn bó với hai bờ sông Luỹ nơi đây. Công việc của họ khá tất bật, cứ có ai gọi điện thoại nói ở ghe nào, số bao nhiêu là họ biết để chèo tới ngay sau đó. Dọc từ cầu sông Luỹ gần ngã ba quốc lộ 1A cho tới cửa biển, hai bên bờ sông có cả ngàn ghe neo đậu ken sát nhau. Từ nay tới chiều, các ghe này sẽ lần lượt ra khơi, nhường chỗ cho ghe khác trở về. Tất nhiên, công việc của những phụ nữ chèo ghe cũng tất bật hơn. Chị Nguyễn Thị Vân, 34 tuổi quê ở miền núi Tánh Linh nhưng vì cơ duyên đã lấy chồng và gắn bó với dòng sông này. Chị Vân kể, chừng 10 năm trước chị không bao giờ nghĩ mình có thể chèo ghe thành thạo như bây giờ. “Quê tôi ở gần đèo Tà Pao ấy, cũng có sông La Ngà nhưng mình chỉ đi làm rẫy thôi. Rồi lấy chồng về dưới Phan Rí Thành nhưng ban đầu cũng không làm nghề biển vì hai vợ chồng làm công nhân cả. Rồi công ty họ phá sản, chồng tôi theo bạn đi biển còn mình thì ra đây chèo đò vậy. Ban đầu cũng cực lắm, mấy lần té nước tính bỏ nghề luôn chứ. Mà giờ thì quen rồi, biết nương theo con sóng, biết kênh mũi đò khi khách nhảy từ ghe lớn xuống, biết quay mũi chèo để né ghe lớn… Công việc cực nhọc nhưng cũng có thu nhập. Rồi mấy chú trên ghe thương còn cho thêm con khô, con mực nữa. Dân biển mà, cá mực nhiều lắm”, chị Vân thành thật chia sẻ thêm.
Nón trắng bên bờ biển xanh
Những ngày này đi dọc các làng chài ven biển miền Nam Trung bộ như Phan Rí Cửa, Chí Công, Kê Gà, Hòn Rơm, Hoà Thắng, Mũi Né, La Gi hay Tam Bình, Bình Châu, Lộc An, Phước Hải… là khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập với đầy ắp các ghe cá tôm mực. Nhưng điều đặc biệt là hầu hết chỉ thấy những người phụ nữ, những bóng nón trắng lô nhô, hối hả với công việc của mình. Trên những dải cát ven biển ấy, rất hiếm có đàn ông. Nếu có chỉ là một vài người lớn tuổi. Những ai từng gắn bó với làng biển miền Nam Trung bộ thì sẽ thấy, nếu người đàn ông nhận phần việc vất vả trên ghe thuyền thì người phụ nữ lại dành nhiều thời gian sau khi chiếc ghe thuyền cập bến. Từ công việc đưa cá, tôm, mực vào bờ, phân loại, ngã giá, tính toán cùng thương lái cho tới việc dọn dẹp ghe thuyền, rũ lưới và cả đan lưới. Với những phụ nữ này, họ gần như dành cả một ngày dài từ sáng sớm tới chiều tối để làm các công việc cùng ghe thuyền, trước khi những người đàn ông của gia đình bắt đầu một ngày làm việc trên biển từ chiều tối tới sáng sớm hôm sau. Công việc cứ lặp đi lặp lại như vậy như một vòng tròn khép kín của đêm và ngày, của biển và bờ, của đàn ông và phụ nữ, của sóng gió và bình lặng…
Trên bãi cát dài ở làng chài Phước Hải thuộc địa giới hành chính thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ, Bà Rịa Vũng Tàu) là hàng chục những phụ nữ như thế. Nhìn từ xa xa, họ chỉ là những chiếc nón trắng rộng vành che gần kín khuôn mặt lam lũ. Họ ngồi đó, lặng lẽ với công việc của mình, là những đống cá trích, cá nục, cá ngừ, sọc sưa, bạc má… Nhiều ngư dân ở làng chài Phước Hải đi ghe theo nhóm, là những “bạn ghe”. Họ cùng đầu tư góp vốn để mua ghe lưới rồi đánh bắt. Khi vào bờ, họ chia sản phẩm theo từng chuyến với tỷ lệ thoả thuận trước. Lúc này, những người phụ nữ của gia đình sẽ bắt đầu công việc của mình, phân loại để bán sản phẩm. Chị Trần Thị Hoa, 36 tuổi, một người phụ nữ ở Phước Hải cho biết mùa này ghe chủ yếu đánh bắt được cá nục, cá trích và cá hồng. “Ghe nhà tôi là loại nhỏ, dài 12 mét do ba anh em trong xóm vay tiền ngân hàng đầu tư mua. Mấy ảnh làm nghề lưới kéo, cứ chiều tối nay đi thì cách một ngày sau sẽ về vào sáng sớm. Mùa biển lặng thì cách hai ngày mới về. Chúng tôi ở đây phân loại rồi bán cho thương lái để họ đem đi Vũng Tàu, TPHCM xong chia tiền. Có vài ghe ở đây họ chia cá vì nhiều gia đình làm nghề khô. Nghề khô thì vất vả hơn một chút nhưng lời nhiều hơn. Nhà tôi chỉ có hai vợ chồng với đứa con trai nhỏ nên không làm khô được. Mình bán xong chia tiền cũng tiện lắm”, chị Hoa chia sẻ.
Trên bãi cát ở làng biển Phước Hải, một địa điểm du lịch cũng thu hút khá đông du khách nhưng vì là ngày thường nên chỉ có ngư dân làng biển. Họ cũng hầu hết là phụ nữ, ngồi túm tụm từ vài ba người cho tới cả chục người, đều làm công việc như nhau là phân loại cá. Ngoài xa xa, mặt trời đã lên khiến nước biển xanh ngắt một màu yên bình. Mùi tanh tanh nồng nồng dường như khiến cho những người phụ nữ thêm phấn khởi. Ở những làng biển này, với những người phụ nữ này, điều khiến họ cảm thấy hạnh phúc, vui cười không phải là mùi nước hoa mà ngược lại, là mùi tanh nồng nồng của biển, của những thùng cá ánh lên màu bàng bạc.