Người cựu binh tiên phong trồng nho hạ đen
Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, cựu binh Lê Văn Bình đã từng bước áp dụng kỹ thuật vào trồng cây nho hạ đen, bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Trở về quê nhà sau nhiều năm phục vụ trong quân đội, ông Lê Văn Bình, Giám đốc HTX Nga Hải (trú tại thôn Thuận Mỹ, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) tập hợp các hội viên để giúp đỡ nhau về chuyên môn, tiếp cận khoa học kỹ thuật và cùng giao lưu, học hỏi để tiếp tục xung kích, thể hiện bản lĩnh trên mặt trận kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Ông Lê Văn Bình cho biết, mặc dù nhiều lần đối mặt với thất bại trong phát triển kinh tế, tuy nhiên không nản chí, ông đã trực tiếp đến nhiều nơi để tham quan và trải nghiệm, học hỏi các mô hình nông nghiệp khác nhau. Sau quá trình tìm hiểu, ông Bình nghiên cứu về mô hình trồng nho hạ đen, một giống nho có năng suất cao và phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương.
“So với nhiều loài cây khác, nho hạ đen có giá trị kinh tế cao hơn nhiều. Cây nho chỉ cần chăm sóc đúng cách có thể cho quả hàng năm mà không cần tái trồng lại. Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian. Hiện nay, gia đình đã trồng thử nghiệm 1.000 gốc nho hạ đen và dự kiến sẽ thu hoạch lứa đầu tiên trong vòng một tháng tới. Nếu mô hình thành công, mỗi hecta nho có thể mang lại lợi nhuận gấp 2-3 lần so với các cây trồng thông thường”, ông Bình chia sẻ.
Theo ông Bình, nho hạ đen có thời gian bảo quản lâu và dễ tiêu thụ, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Đây là một trong những lợi thế để đưa sản phẩm ra thị trường rộng hơn.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các phương pháp chăm sóc hiện đại, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng giúp HTX của ông Bình tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Ngoài việc trồng nho hạ đen, trang trại của ông Lê Văn Bình còn kết hợp nhiều hoạt động nông nghiệp khác. Trên diện tích hơn 100 ha, ông đã dành 90 ha cho cây lâm nghiệp và 10 ha cho các hoạt động nông nghiệp như trồng dưa lưới, nuôi hơn 30.000 con gà, 2.000 con lợn thịt và đào hồ nuôi cá…
Trang trại này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình ông mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Đây còn là một địa điểm lý tưởng cho du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nơi khách tham quan có thể khám phá quá trình sản xuất nông nghiệp hiện đại và tận hưởng không gian thiên nhiên trong lành.
Ông Bình cho biết, hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX ngày càng phát triển, thị trường tiêu thụ được mở rộng đã góp phần khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, giúp một số đồng đội cải thiện cuộc sống.
Bà Trần Thị Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Mỹ cho biết, ông Lê Văn Bình là người đi đầu trong công tác cải tiến khoa học kỹ thuật áp dụng tại địa phương, đặc biệt là đưa mô hình giống nho hạ đen mang lại hiệu quả rất khả quan.
“Thời gian tới, khi mô hình đạt hiệu quả, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển bằng cách cho bà con nhân dân có nhu cầu muốn phát triển kinh tế được tiếp cận và học hỏi, đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình và mang lại thu nhập”, bà Hiếu nói.
Các sản phẩm do HTX Nga Hải làm ra đều có giá trị kinh tế cao, trong đó có 1 sản phẩm đạt OCOP và tất cả đều sản xuất theo quy trình VietGAP, doanh thu đạt trên 8 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 30 người lao động có thu nhập ổn định trên 8 triệu đồng/người/tháng.