Hà Nội hướng đến thành phố thông minh, sáng tạo
Được công nhận là thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019, hiện Hà Nội đang trong quá trình ứng dụng chuyển đổi số, KHCN để cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội, điều đó thể hiện trong trong các chương trình hành động cụ thể và mạnh mẽ nhằm xây dựng thành phố thông minh, sáng tạo.
Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Tiếp tục duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của cơ quan nhà nước; phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp…; Hay Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025” nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng các nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ trực tiếp cho các chương trình và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện thành phố có 406 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, trong đó có nhiều trang trại, hợp tác xã… tạo ra hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng…
Sau hơn nửa thời gian thực hiện Chương trình số 07 của Thành ủy Hà Nội, theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, tại các quận, huyện đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai các giải pháp thực hiện chỉ tiêu chương trình. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hành chính nhà nước, hướng tới chính quyền điện tử, chính quyền số được quan tâm thực hiện; đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch… Bên cạnh kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ KHCN vẫn còn một số khó khăn vướng mắc như về hạ tầng số, về nhân lực…
Tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng hỗ trợ chuyển giao, kết nối như: Sàn giao dịch công nghệ, các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khu hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nhập khẩu và giải mã công nghệ cao từ các nước phát triển, đặc biệt trong các ngành công nghiệp mũi nhọn, như công nghiệp điện tử, cơ khí, công nghệ sạch; đào tạo nhân lực, có chính sách đào tạo và thu hút nhân tài trong lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức KHCN; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến từ nước ngoài…