Không chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần
Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Diễn đàn kinh tế xanh 2024 do Hiệp hội Doanh nghiêp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) tổ chức ngày 21/10.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: "Việt Nam không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Việt Nam đã đề ra mục tiêu tổng quát, xác định tăng trưởng xanh phải góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu giảm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho hay, phương châm phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá trong triển khai các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.
Thời gian qua, Chính phủ đã triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp phát triển xanh. Cụ thể là ban hành các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, thực hiện cam kết trung hòa carbon, điển hình như Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến 2030; Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh…
Ngoài ra, Chính phủ còn tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai 16 dự án phát triển bền vững với vốn vay khoảng 2,5 tỷ USD. Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị, EU tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực cấp thiết đối với Việt Nam hiện nay như tăng cường năng lực quản trị công, kinh tế xanh, số và tuần hoàn.
Ông Margaritis Schinas - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết, EU hiện là đối tác thương mại đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, hai bên đã nỗ lực đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững. Cả thế giới nói chung, Việt Nam và EU nói riêng đang hướng đến việc ứng dụng công nghệ mới để giải quyết thách thức biến đổi khí hậu. Đây là thời cơ để cả hai thúc đẩy hợp tác không chỉ về kinh tế, thương mại đơn thuần mà bao gồm chuyển đổi xanh, trung hòa carbon.
Ông Margaritis Schinas nhấn mạnh vài nhiệm vụ quan trọng mà các quốc gia cần ưu tiên thời gian tới là: Chuyển đổi từ nền kinh tế dựa trên tài nguyên thiên nhiên sang nền kinh tế dựa trên các nguyên liệu, năng lượng tái tạo; phát triển kinh tế song song với khôi phục đa dang sinh học; đảm bảo tất cả sản phẩm, dịch vụ được tạo ra từ nguồn nguyên liệu hợp pháp, chống phá rừng. Với sự hợp tác chặt chẽ, toàn diện Việt Nam – EU mang đến nhiều cơ hội cho chuyển đổi xanh hơn.
Ông Bruno Jaspaert - Chủ tịch EuroCham, chia sẻ: “Diễn đàn kinh tế xanh 2024 thể hiện quyết tâm chung của Việt Nam và EU trong việc thúc đẩy phát triển bền vững. Sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao và chuyên gia doanh nghiệp khẳng định rằng chúng ta đang cùng nhau biến lời nói thành hành động, xây dựng tương lai xanh cho thế hệ mai sau”.
Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh 2024 không chỉ là nơi đối thoại mà còn là cầu nối giữa đổi mới, chính sách và phát triển bền vững, giúp thắt chặt mối quan hệ giữa châu Âu, Việt Nam và ASEAN. Những nỗ lực này sẽ tạo nền tảng cho một tương lai xanh, nơi tăng trưởng kinh tế gắn liền với trách nhiệm môi trường.