Cầu Long Biên được khởi công năm 1899, hoàn thành năm 1902, đến nay đã 122 tuổi. Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, sau nhiều năm đưa vào khai thác hiện cầu Long Biên đã xuống cấp. Nhiều vị trí trên cầu bị hỏng theo thời gian. Một số thanh thép trên cầu bị hư hỏng. Mặt đường bị bong tróc. Nhằm khắc phục và sửa chữa cũng như bảo tồn cây thép lâu đời này, Pháp đã tài trợ không hoàn lại hơn 700.000 Euro vào tháng 12/2023. Sau gần một năm triển khai, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội Phan Trường Thành cho biết, hiện cầu Long Biên do Bộ GTVT quản lý, chủ yếu phục vụ vận hành đường sắt quốc gia. Dự án này gồm 3 phần. Phần thứ nhất là khảo sát, đánh giá hiện trạng cầu Long Biên; thứ hai là khuyến cáo những chi tiết, hạng mục cần sửa chữa trong giai đoạn ngắn hạn; thứ ba là quản lý, khai thác sau khi không còn phục vụ đường sắt quốc gia, và bàn giao cầu lại cho TP Hà Nội. Để cải tạo cầu Long Biên, UBND TP Hà Nội đã giao Sở GTVT Hà Nội ký kết một biên bản ghi nhớ vào đầu năm 2024. Khoản hỗ trợ của Pháp thực hiện theo quy trình dự án ODA. Theo Sở GTVT Hà Nội, khi văn kiện dự án được phê duyệt, khoản hỗ trợ mới có hiệu lực. Trong khi chờ các sở, ngành liên quan giải ngân gói viện trợ, cầu Long Biên đang ngày càng xuống cấp. Trong 8 trụ chống tàu, thuyền đâm va, đã có trụ mố 16A đã bị hư hỏng hoàn toàn, nhưng vẫn chưa được xây mới. Theo đại diện Công ty cổ phần đường sắt Hải Hà (đơn vị quản lý, duy tu cầu Long Biên), các sự cố như nứt mặt cầu, bung mối hàn lan can... là do kết cấu cầu Long Biên lâu ngày đã xuống cấp, việc sửa chữa, bảo dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Lê Khánh