Sức khỏe

Tầm soát sớm để ngừa ung thư đại trực tràng

An Thái 22/10/2024 10:11

Việc tầm soát có ý nghĩa quan trọng trong phát hiện và điều trị sớm ung thư đại trực tràng. Bởi khi người bệnh có các dấu hiệu như đầy bụng, tiêu chảy, táo bón, thiếu máu không lý do... thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

duoi.jpg
Phẫu thuật nội soi cắt K trực tràng cho bệnh nhân. Ảnh: BV Bãi Cháy.

Bệnh lý vùng hậu môn trực tràng là một trong những bệnh lý thường gặp trong cuộc sống hiện nay. Theo các nghiên cứu cho thấy, bệnh lý ung thư đại trực tràng chiếm 10% các bệnh lý về ung thư. Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến thứ 4 ở nam giới, thứ 3 ở nữ giới, với tỷ lệ mắc mới năm 2022 là 16.835 ca và tỷ lệ tử vong là 8.454 trường hợp. Phần lớn bệnh lý hậu môn, trực tràng gây đau nhức, khó chịu, lo âu cho người bệnh, làm giảm khả năng làm việc và tham gia các hoạt động xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống.

PGS.TS Lê Mạnh Cường - Phó Giám đốc Học viện Y học cổ truyền Việt Nam, Chủ tịch Hội hậu môn trực tràng Việt Nam phân tích, các bệnh lý tưởng đơn giản như trĩ, nứt, kẽ, rò hậu môn, táo bón, khó đại tiện… nếu không được phát hiện sớm, chẩn đoán điều trị đúng và kịp thời, bệnh sẽ biến chứng trở nên trầm trọng và nguy hiểm như mắc ung thư hậu môn, ung thư trực tràng. Cùng đó, những bệnh liên quan đến hậu môn - trực tràng được xem là bệnh khó nói nên người dân rất ngại đi khám và chia sẻ với bác sĩ. Không ít người lên mạng, tự tìm kiếm thông tin để điều trị. Điều này vô cùng nguy hiểm. Trên thực tế, đã có trường hợp tự điều trị theo hướng dẫn ở trên mạng dẫn đến bị tai biến, bị hoại tử và phải làm hậu môn nhân tạo. Vì vậy, TS Lê Mạnh Cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không tin và nghe theo các phương pháp điều trị không có cơ sở khoa học được lan truyền trên mạng xã hội.

TS.BS Phan Thị Hồng Đức - Trưởng Khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu (Bệnh viện Ung bướu TPHCM) khuyến cáo, bệnh ung thư đại trực tràng có những triệu chứng không nghiêm trọng và thường bị bỏ qua, cho đến khi được chẩn đoán thì đã ở giai đoạn muộn với tỷ lệ tử vong cao. Trong khi đó, nếu phát hiện bệnh sớm, hiệu quả điều trị thường cao. Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư đại trực tràng là tiền sử gia đình có người từng mức bệnh, người mắc đa polyp ruột già, viêm loét đại tràng mạn tính, tuổi tác, chế độ ăn nhiều chất béo, thịt đỏ, ít chất xơ từ rau quả, trái cây... Những người bị polyp đại tràng không chữa trị kịp thời, để lâu ngày sẽ khiến các polyp này có nguy cơ phát triển thành ung thư.

Để phòng các bệnh lý về hậu môn - trực tràng, các chuyên gia y tế cũng đưa ra khuyến cáo, người dân cần ăn thực phẩm nhiều chất xơ, uống nhiều nước, không hút thuốc, uống rượu bia, không tạo áp lực mạnh khi đại tiện, tránh ngồi lâu và thường xuyên tập thể dục...

Theo PGS.TS Lê Mạnh Cường, giờ đây các kỹ thuật ít xâm lấn và thủ thuật đã được áp dụng giúp giảm thiểu đau đớn, rút ngắn thời gian hồi phục cho bệnh nhân, bao gồm: phẫu thuật nội soi và sử dụng robot để cắt polyp, cắt khối u đại trực tràng; sử dụng Argon plasma cầm máu và điều trị các tổn thương niêm mạc; sử dụng laser giảm kích thước búi trĩ; thắt trĩ bằng vòng cao su; đốt trĩ bằng sóng cao tần, xung điện trực tiếp; điều trị trĩ bằng quang đông hồng ngoại, tiêm xơ… Hội hậu môn trực tràng Việt Nam đã ứng dụng thành công và triển khai hàng loạt những kỹ thuật khoa học mới; sử dụng kết hợp giữa hai nền y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị.

Các chuyên gia khuyến cáo, nhóm cần tầm soát ung thư đại trực tràng là người trên 50 tuổi, người có tiền sử gia đình như bố mẹ, anh chị em mắc bệnh. Có thể sàng lọc phát hiện sớm ung thư đại trực tràng bằng xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân ở những người có nguy cơ cao; người từ 50 tuổi trở lên, thực hiện tầm soát mỗi năm một lần.

An Thái