Tuyển sinh lớp 10: Đảm bảo đầu vào và nâng chất đầu ra - Bài 2: Giảm áp lực, tránh tuyển sinh may rủi
Đến 2025, Hà Nội đặt mục tiêu 40% số học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào trường THPT tư thục, tăng khoảng 15% so với hiện tại. Dù xét tuyển vào trường THPT công lập hay khối trường tư đều cần phải đảm bảo chất lượng đầu vào, đảm bảo mục tiêu mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra; đảm bảo yêu cầu mục đích phân luồng hướng nghiệp.
Khoảng 40% học sinh vào trường tư
Cuộc đua vào lớp 10 tại Hà Nội luôn gay cấn. Nhiều năm qua tỷ lệ học sinh THCS vào học tại các trường THPT công lập chỉ đạt khoảng 60%. Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục. Mục tiêu là số trường tư chiếm 21% tổng số trường học và 14 - 16% số học sinh vào năm 2025. Riêng khu vực điều kiện khó khăn, tỷ lệ học sinh cấp THPT học trường tư phấn đấu đạt 30%. Như vậy, theo mục tiêu này, đến năm 2025, Hà Nội sẽ có 40% số học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào trường THPT tư thục, tăng khoảng 15% so với hiện tại.
Thống kê đến năm học 2024 - 2025, Hà Nội đang có khoảng 600 trường tư thục. Trong đó, cấp THPT có khoảng 100 trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 30.000 học sinh lớp 10. Do đó, hệ thống trường tư cùng với các Trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường nghề… trên địa bàn TP Hà Nội được kỳ vọng sẽ góp phần “chia lửa” cùng với trường công trong việc đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh sau THCS. Thống kê cũng cho thấy, cuối năm học trước, riêng ở bậc học THPT, tỷ lệ học sinh trường tư đạt hơn 25%.
Không thể phủ nhận những ưu điểm của trường THPT công lập với phần đông học sinh lựa chọn, nhưng trong áp lực cạnh tranh căng thẳng để thi đỗ vào trường công, nhiều học sinh và gia đình đã chủ động chọn trường tư thục làm bến đỗ cho 3 năm học THPT. Ghi nhận tuyển sinh tại khối trường tư cho thấy, học sinh đăng ký vào học lớp 10 ở trường chủ yếu có hai đối tượng, gồm những em học lực khá giỏi nhưng không tham gia kỳ thi vào lớp 10 mà đăng ký xét tuyển sớm vào trường từ tháng 5 theo diện học bạ. Một bộ phận khác là những học sinh tham gia kỳ thi vào lớp 10 để xem có đậu vào nguyện vọng 1 hay không, lúc đó mới cân nhắc vào trường.
Thực tế vẫn có những em đậu nguyện vọng 1 nhưng sau đó “quay xe” nộp hồ sơ sang trường tư vì cân nhắc yếu tố gần nhà, môi trường học tập với nhiều trải nghiệm, thực hành hơn so với các trường công lập có thiên hướng nặng về lý thuyết.
Chú trọng tư vấn, hướng nghiệp
Nhiều trường tư thục trên địa bàn Hà Nội gần đây đã có bước chuyển mình, nhắm tới các nhu cầu cụ thể để tuyển sinh, đào tạo và thu hút sự quan tâm đối với phụ huynh, học sinh. Đặc biệt, có những trường tư thục đã khẳng định được chất lượng đào tạo qua nhiều năm với chất lượng tuyển sinh đầu vào không thua kém các trường THPT công lập top đầu. Đơn cử, các Trường Marie Curie, Lương Thế Vinh, Ngôi Sao Hà Nội, Tạ Quang Bửu, Archimedes… năm 2024 lấy điểm chuẩn vào lớp 10 trung bình từ 7-8,4 điểm/môn.
Tuy nhiên, nhìn chung tỷ lệ hiện diện của giáo dục tư nhân vẫn chưa đạt được kỳ vọng đặt ra cũng như chất lượng đào tạo, chất lượng đầu vào vẫn là một vấn đề cần tiếp tục cải thiện. Ông Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý không chỉ riêng ngành giáo dục mà còn các sở, ban ngành khác trong việc tạo điều kiện để các trường THPT tư thục phát triển. Trong đó, về mặt chuyên môn, cần nhận được sự tư vấn, hỗ trợ nhiều hơn từ ngành giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó thu hút học sinh. Về phía các trường, ông Khang cho rằng điểm mấu chốt để các trường được phụ huynh và học sinh tin tưởng lựa chọn không chỉ nằm ở chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất mà là phương hướng phát triển toàn diện, trong đó chú trọng tạo ra nét khác biệt trong hoạt động giáo dục, hoạt động bán trú và các dịch vụ khác... Chẳng hạn, các trường tư thục với thế mạnh của mình có thể quan tâm, đầu tư vào mảng tư vấn du học phù hợp với nhiều đối tượng học sinh trong trường.
Đây cũng đang là hướng đi được Trường THCS và THPT Phenikaa chú trọng. Bà Đoàn Thu Hà - Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận, khi lựa chọn ngôi trường cho con theo học, một trong những vấn đề mà phụ huynh đặc biệt quan tâm đó là công tác tư vấn hướng nghiệp được thực hiện ra sao, hỗ trợ cho phụ huynh và học sinh như thế nào. Nhận thức được điều này, trường xác định phải chú trọng, nâng cao chất lượng của công tác tư vấn hướng nghiệp bằng cách chú trọng đến dạy học cá nhân hóa và tư vấn cá nhân hóa với học sinh cấp THPT. Bên cạnh đó, trường cũng đầu tư vào mảng tư vấn du học để mở rộng hơn nữa phạm vi nhu cầu của phụ huynh. Từ đầu năm học 2024-2025 đến nay, trường đã tổ chức một hội thảo hướng nghiệp và một hội thảo về du học, trong đó có 25 trường ở khắp các nước như: Canada, Australia, Mỹ,... đến tham gia hội thảo, tư vấn tuyển sinh. Thông qua hoạt động này, trường muốn tạo ra được điểm nhấn trong công tác tổ chức hoạt động giáo dục, tục cải tiến và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của phụ huynh và học sinh.
Điểm chuẩn “trồi sụt” và những đề xuất
Mùa tuyển sinh 2024, việc biến động điểm chuẩn lớp 10 ở Hà Nội là một trong những bất ngờ gây sốc khi nhiều trường top đầu giảm tới 4 điểm so với năm 2023. Đặc biệt, có trường giảm đến 16,25 điểm - một kỷ lục chưa từng có trong khoảng 20 năm qua.
Ở chiều ngược lại, có khá nhiều trường các năm trước “đội sổ” nhưng năm nay lại tăng ấn tượng. Đơn cử Trường THPT Bất Bạt năm 2023 lấy điểm chuẩn 17, đứng “đội sổ” nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu trong khi năm nay lấy 25 điểm, tăng 8 điểm. Tương tự, Trường THPT Thọ Xuân tăng 5,25 điểm... Nhiều trường khác ở khu vực ngoại thành luôn nằm trong tốp phải tuyển bổ sung, thường được xem là trường “tràn tuyến” (không giới hạn khu vực tuyển sinh), năm nay cũng có điểm chuẩn tăng từ 1 đến trên 3 điểm so với năm trước.
Theo phân tích của các chuyên gia tuyển sinh, việc những trường năm trước có điểm chuẩn cao đến rất cao thì năm sau có thể có xu hướng ít thí sinh dự thi hơn và ngược lại, những trường năm trước có điểm chuẩn thấp lại có xu hướng nhiều thí sinh dự thi ở năm sau, dẫn đến những thay đổi nhất định. Mặt bằng điểm chuẩn vào các trường với nhiều biến động như vậy thực sự là một diễn biến khó lường với cả thí sinh và phụ huynh năm 2024; đồng thời khiến cho việc tuyển sinh, đăng ký xét tuyển vào các trường của thí sinh Hà Nội trong năm 2025 chịu ảnh hưởng lớn khi khó dự báo được chính xác điểm chuẩn năm nay có tiếp tục nhảy múa? Đặc biệt, với lứa thi sinh lớp 9 năm nay lần đầu tiên kỳ thi vào lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, đây là áp lực chồng áp lực.
Trước những biến động về điểm chuẩn lớp 10, nhiều ý kiến mong muốn Hà Nội có những thay đổi trong việc thi và xét tuyển để giảm áp lực cho thí sinh, đồng thời giảm tỷ lệ thí sinh “điểm cao mà vẫn trượt”.
Cụ thể, hiện nay Hà Nội đang quy định mức điểm chuẩn giữa các nguyện vọng 1 và 3 chênh nhau tới 2 điểm nên nếu việc đặt thứ tự nguyện vọng không hợp lý có thể dẫn đến tình huống trượt hết các nguyện vọng dù điểm không thấp. Thêm vào đó, với việc học sinh không được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi biết điểm thi khiến cho thí sinh khó dự đoán chính xác cơ hội đỗ vào trường THPT mà mình mong muốn. Hiện không ít địa phương đã cho phép học sinh được đổi nguyện vọng sau khi các trường công bố số lượng học sinh đăng ký hoặc sau khi thí sinh hoàn thành bài thi vào lớp 10 như TPHCM giúp giảm bớt áp lực, căng thẳng cho học sinh.
Đề xuất Sở GDĐT Hà Nội cần trao quyền chủ động hơn cho các thí sinh, nhất là trong bối cảnh sự biến động mạnh về “tỷ lệ chọi” cũng như điểm chuẩn khó lường của các trường qua từng năm, các chuyên gia giáo dục cho rằng cần thay đổi cách thức đăng ký nguyện vọng trước và không thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm như hiện nay. Điều này đã và đang bộc lộ những bất cập, là một trong những nguyên nhân gây tăng áp lực tuyển sinh vào 10, khiến việc đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 có phần may rủi, nhiều thí sinh điểm cao có nguy cơ trượt công lập.
Cần công bố phổ điểm thi
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, người sáng lập Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), việc chênh lệch điểm chuẩn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 giữa các địa bàn của Hà Nội phần nào phản ánh chất lượng dạy và học chưa thực sự đồng đều. Điều này có nguyên nhân xuất phát từ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương có những khoảng cách khác nhau. Để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông nói chung và của từng địa bàn nói riêng, nên chăng Hà Nội cần công bố phổ điểm thi sau mỗi kỳ thi. Đây là dữ liệu tin cậy để đưa ra những phân tích thấu đáo, góp phần cải thiện chất lượng dạy và học hiện nay. Bởi ngoài mục đích tuyển sinh, kỳ thi vào lớp 10 THPT còn là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá chất lượng dạy và học trong các nhà trường, từ đó điều chỉnh chính sách và định hướng chỉ đạo.
(còn nữa)