Nghệ thuật truyền thống từng bước đến gần khán giả trẻ
Văn hoá nghệ thuật truyền thống đang có bước chuyển mình mạnh mẽ để phù hợp với nhu cầu của công chúng trẻ. Việc kết hợp các chất liệu truyền thống vào trong các tác phẩm hiện đại đang tạo ra sức hút mạnh mẽ, giúp thế hệ trẻ dễ dàng tiếp cận và trân trọng những giá trị văn hoá lâu đời.
Tôn vinh và phát triển nghệ thuật truyền thống
Trong những năm trở lại đây, các nghệ sĩ trẻ có xu hướng sử dụng các chất liệu văn hoá, dân gian vào sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật. Có thể kể đến như ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh với những “Gieo quẻ”, “Để Mị nói cho mà nghe",... hay Hoà Minzy với “Thị Mầu", “Kén cá chọn canh"... và gần đây nhất thì có những “Trống cơm", “Đào Liễu"... từ các “anh tài" chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai". Tất cả các tác phẩm trên đều có điểm chung là có sự pha trộn khéo léo, hài hoà giữa yếu tố văn hoá, dân gian với các chất liệu hiện đại, hợp xu hướng hiện nay. Đồng thời, các tác phẩm này cũng nhận được sự yêu thích và quan tâm đặc biệt của công chúng.
Với tiết mục “Trống Cơm", NSND Tự Long từng chia sẻ: “Văn hoá là bản chất, văn hoá là cội nguồn, văn hoá là dân tộc. Câu chuyện văn hoá mà chúng tôi muốn kể chính là tiếp nối giá trị truyền thống, muốn những người trẻ ngày hôm nay hiểu hơn, tiếp cận hơn, để thêm yêu vốn cổ của dân tộc”. Sự pha trộn giữa truyền thống và hiện đại đã thổi luồng sinh khí mới vào nghệ thuật dân gian, giúp nó không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn mà còn mở ra những con đường phát triển bền vững cho di sản văn hóa Việt Nam. Nghệ thuật truyền thống, với những giá trị văn hóa lâu đời, chứa đựng bản sắc dân tộc là nền tảng vững chắc. Trong khi đó, các yếu tố hiện đại đem đến sự mới mẻ, tạo nên những biến chuyển thú vị, thu hút đông đảo khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Theo ông Trần Văn Bình, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Vĩnh Phúc, trong dòng chảy của sự phát triển văn hoá, cần phải có sự đổi mới. Những môn nghệ thuật dân gian, những nét văn hoá cổ truyền cần phải giữ vì đó là bản sắc của một vùng miền, của một dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh giữ gìn thì cần phải phát huy, đổi mới bởi nhu cầu nghệ thuật của công chúng và dòng chảy thời đại ngày càng khác. Nhưng đổi mới thế nào để vừa phát triển, vừa giữ lại được bản sắc vốn có. Phải giữ lấy căn cốt của nghệ thuật, như cơ bản của nghệ thuật chèo là nghệ thuật kể chuyện. “Có thể sáng tạo, cài cắm một số yếu tố mới vào các vở diễn nhưng phải làm sao vẫn giữ được bản chất của chèo. Điều này phải đặc biệt lưu ý, bởi nếu đổi mới mà không dựa trên những giá trị cốt lõi, sẽ dẫn dễ dẫn đến các hình thái biến tướng và mai một đi bản sắc nghệ thuật dân tộc”, ông Trần Văn Bình nói.
Việc bảo tồn di sản văn hóa không còn chỉ là việc lưu giữ những gì đã qua, mà là tái sinh chúng trong bối cảnh hiện đại. Chính những không gian sáng tạo mới này giúp cho nghệ thuật dân gian có cơ hội không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khi các nghệ sĩ trẻ sáng tạo trên nền tảng truyền thống, họ không chỉ đang tôn vinh di sản văn hóa mà còn đang góp phần vào quá trình tiếp nối và phát triển. Điều này thể hiện rõ qua các tác phẩm âm nhạc, hội họa, sân khấu hiện nay – nơi mà các yếu tố truyền thống như nhạc cụ, điệu hát, vũ đạo cổ được kết hợp một cách sáng tạo với xu hướng đương đại.
Sáng tạo, cập nhật xu thế mới
Những người nghệ sĩ trẻ không chỉ là người tiếp nối di sản, mà còn là lực lượng tiên phong trong việc đổi mới và phát triển nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh hiện đại. Với sự nhạy bén và tinh thần sáng tạo trước những xu hướng mới, họ không ngừng tìm kiếm và khám phá những cách thức mới để kết hợp hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại. Qua đó, nghệ sĩ trẻ đã góp phần làm phong phú và đa dạng thêm các loại hình nghệ thuật dân gian, tạo ra sức sống mới cho nền văn hóa nghệ thuật dân tộc.
Nghệ sĩ sáo Đỗ Quốc Tuấn, hiện đang công tác tại Nhà hát nghệ thuật Vĩnh Phúc, chia sẻ: Các sản phẩm có sử dụng các chất liệu văn hoá, truyền thống của các nghệ sĩ trẻ tạo nên sự kế hợp mới mẻ hấp dẫn. Các tác phẩm đó rất gây sự chú ý của đại chúng, nhất là giới trẻ. Đây cũng chính là bước đi sáng suốt để giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống. Vì các nhạc sĩ sẽ thổi vào các tác phẩm truyền thống 1 làn gió mới, tiết tấu mới, thêm chút ca từ mới để đến với giới trẻ và đc giới trẻ thời đại mới đón nhận hưởng ứng nhiều hơn, không bị nhàm chán với các giai điệu cũ kỹ, “già nua” xưa.
Với tư cách là một người giảng dạy và biểu diễn âm nhạc truyền thống, nghệ sĩ Đỗ Quốc Tuấn cho rằng, các nghệ sĩ trẻ hiện nay nên chú trọng tìm tòi các tác phẩm dân gian truyền thống đặc sắc nhưng sẽ kết hoà âm phối khí lại theo cách mới ,dàn dựng mới cũng như cách biểu diễn mới mẻ nhưng vẫn phải giữ được bản sắc sao cho tiếp cận gần hơn đến giới trẻ nhiều hơn mà vẫn giữ được hồn cốt và đúng chủ trương của Đảng và nhà nước" xây dựng nền văn hoá tiên tiến nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.