Đề xuất “số hoá” thổ nhưỡng, nước, khí hậu, cây dược liệu bản địa để phát triển ngành công nghiệp dược
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược bổ sung quy định “có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam thành ngành công nghiệp mũi nhọn”
Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Về chính sách của Nhà nước về dược và chính sách phát triển công nghiệp dược (Điều 7 và Điều 8 sửa đổi), bà Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng sửa đổi toàn diện Điều 7 của Luật hiện hành để quy định các chính sách chung của Nhà nước về dược; quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược tại Điều 8 (sửa đổi); còn quy định liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được xem xét khi sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm triển khai thực hiện.
Trong đó, Điều 7 (sửa đổi) bổ sung quy định “có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam thành ngành công nghiệp mũi nhọn” (khoản 3); quy định chính sách ưu tiên mua sắm thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở y tế công lập (khoản 4); ưu tiên về các thủ tục hành chính khi cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu (khoản 5); áp dụng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ từ các quỹ hỗ trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ (khoản 6); hỗ trợ phát triển dược liệu, phát huy các bài thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu (các khoản 7, 8 và 9); phát triển hệ thống cung ứng thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại (khoản 10); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (khoản 12); giữ giá, giảm giá đối với một số nhóm thuốc cần thu hút chuyển giao công nghệ (khoản 13).
Điều 8 (sửa đổi) quy định chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể để thúc đẩy hơn nữa việc phát triển công nghiệp dược trong nước. Do còn ý kiến khác nhau về nội dung này, để thận trọng, bảo đảm công khai, minh bạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu về hai phương án. Cụ thể, phương án 1 quy định cho phép áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ưu điểm của phương án này là có tính đặc thù, đột phá và khả thi đối với ngành công nghiệp dược và phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Đầu tư: “Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về đầu tư khác với quy định của Luật Đầu tư thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó”. Nhược điểm là khác với các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt của pháp luật về đầu tư.
Còn phương án 2 không quy định quy mô cụ thể mà dẫn chiếu áp dụng theo Luật Đầu tư có nghĩa là chỉ được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới có vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (gấp 10 lần quy mô vốn so với phương án 1).
Ưu điểm của phương án này là phù hợp với các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt của pháp luật về đầu tư. Nhược điểm là không có tính đặc thù, đột phá và không khả thi đối với ngành công nghiệp dược.
ĐB Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho hay, thực tiễn trong nước và quốc tế cho thấy, việc tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát huy sự tự chủ, nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển, không chỉ cho các doanh nghiệp trong nước mà cả ngành công nghiệp.
Phần lớn các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, đều đã thực hiện chính sách mở cửa trong lĩnh vực phân phối và logistics dược phẩm và những chính sách này đã có tác động tích cực trong việc huy động và thu hút vốn đầu tư nước ngoài để nâng cao năng lực phát triển cho các doanh nghiệp trong nước.
Theo bà Thu, trong khi thực hiện các chính sách mở cửa, các nước vẫn đảm bảo không chỉ cung ứng thuốc trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài và đảm bảo an ninh y tế cho chính quốc gia họ và cả khu vực và các quy định pháp luật về giá và chống cạnh tranh giúp cho họ bảo đảm các mục tiêu về an ninh y tế và kiểm soát giá thuốc. Vì vậy, nên tham khảo kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực này. Điều đó cũng phù hợp với chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển công nghiệp dược.
ĐB Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) nêu vấn đề, đối với quy định về ưu đãi trong mua thuốc tại khoản 4 Điều 7 có trường hợp để được ưu đãi rất khó khả thi và gần như không có trên thực tế. Như thuốc biệt dược gốc chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, hay để chứng minh được thuốc generic đầu tiên sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, một số chính sách chưa rõ ràng. Ví như tại Khoản 5 Điều 7 quy định ưu đãi về thủ tục hành chính, đối với thuốc mới, thuốc hiếm, thuốc công nghệ cao nhưng trong dự thảo Luật, kể cả dự thảo Nghị định không quy định ưu đãi cụ thể như thế nào?, rút ngắn về thời gian cấp phép hay tạo thêm “luồng xanh” cho các đơn vị đủ điều kiện. Do đó bà Hà đề nghị, phải có những quy định về đối tượng được hưởng ưu đãi, hình thức ưu đãi và mức ưu đãi thì các chính sách nêu ra mới thực chất và có tính khả thi.
Nhìn nhận chính sách phát triển dược liệu cũng chưa có đột phá so với Luật Dược, bà Hà đề nghị cần đưa vào dự thảo Luật lần này những chính sách để phát triển ngành dược liệu Việt Nam như: chính sách để số hoá thổ nhưỡng, nước, khí hậu, cây dược liệu bản địa để xây dựng quy hoạch các vùng trồng dược liệu. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cần ban hành các quy định về thực hành nuôi trồng, thu hái, chế biến theo tập quán tốt bên cạnh tiêu chuẩn GACP với dược liệu như hiện nay.