TPHCM tăng cường kiểm soát dịch bệnh Marburg tại Sân bay Tân Sơn Nhất
Hành khách nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM, được giám sát chặt chẽ 24/7, thông qua thông tin tờ khai chung; giám sát thân nhiệt và một số biểu hiện nghi ngờ bệnh Marburg theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Để kiểm soát dịch, Cảng vụ hàng không miền Nam và các đơn vị, gồm: Công an, Hải quan, các cơ quan đang hoạt động và các hãng hàng không có khai thác đường bay quốc tế tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM), phối hợp chặt chẽ công tác phòng chống dịch Marburg.
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cơ quan này căn cứ công văn số 1006/BYT-DP ngày 11/10 của Bộ Y tế về việc tăng cường kiểm dịch y tế, năng lực xác định với Marburg.
Theo đó, HCDC sẽ triển khai công tác kiểm dịch y tế tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM. Trong đó, giám sát chặt chẽ 24/7 đối với toàn bộ người nhập cảnh qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, thông qua thông tin tờ khai chung, qua giám sát thân nhiệt hành khách và quan sát một số biểu hiện nghi ngờ bệnh Marburg theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hành khách có dấu hiệu nghi ngờ sẽ được mời vào khu vực kiểm dịch y tế để thực hiện khám sàng lọc, điều tra dịch tễ và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, cách ly theo quy định để hạn chế lây lan cho cộng đồng.
“Cảng vụ hàng không miền Nam, Công an, Chi cục Hải quan, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ phân luồng di chuyển, tạo điều kiện làm thủ tục nhập cảnh nhanh đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh theo quy trình đã thống nhất", văn bản của HDCD đề nghị.
Trước đó, Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại Rwanda lần đầu tiên ghi nhận trường hợp bệnh Marburg ở nước này vào tháng 9/2024. Đến ngày 15/10, có tổng cộng 62 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 15 trường hợp tử vong tại 7 trong số 30 quận của quốc gia này, khoảng 70% trường hợp bệnh là nhân viên y tế.
Bệnh Marburg là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao (50% có thể lên tới 88%), là bệnh truyền nhiễm nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Đến nay, bệnh chưa có vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu.