Quốc hội

Ứng dụng dữ liệu vào phát triển kinh tế-xã hội

Quang Vinh, Việt Thắng 22/10/2024 16:38

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, việc hoàn thiện pháp luật, quy định những chính sách trong phát triển, ứng dụng dữ liệu vào công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội là yêu cầu rất cấp thiết.

Chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Dữ liệu.

Ông Lương Tam Quang cho biết, chuyển đổi số được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

z5955988578306_02a0a2a0f7216b84aaf0666455b9e14b.jpg
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)

Theo ông Quang, Điều 62 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định: Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ.

Ông Quang cũng cho hay, tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/01/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định “đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm dữ liệu khu vực. Xây dựng các trung tâm dữ liệu gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế; phát triển các cụm trung tâm dữ liệu quốc gia tại khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam.” Do vậy, việc hoàn thiện pháp luật, quy định những chính sách trong phát triển, ứng dụng dữ liệu vào công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội là yêu cầu rất cấp thiết; tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số. Dự thảo Luật gồm 7 chương, 67 điều.

z5955988578320_c33a0c6deacd881cacdf1c9998e78e67.jpg
Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà tham dự phiên họp (Ảnh: Quang Vinh)

Đưa ra dẫn chứng, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về dữ liệu, vận hành, khai thác, sử dụng dữ liệu (dữ liệu của cơ quan nhà nước, của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân) như: Luật Dữ liệu mở (Hàn Quốc); Luật Quản trị dữ liệu của Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu; (3) Đạo luật dữ liệu
Châu Âu áp dụng cho 27 nước thành viên Liên minh Châu âu. Qua đó, tạo cơ chế, chính sách để ứng dụng dữ liệu vào hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Luật nhằm thúc đẩy hình thành thị trường dữ liệu, hỗ trợ phát triển sản phẩm dịch vụ dựa trên dữ liệu, các giao dịch thương mại trên môi trường số được thường xuyên, liên tục, an toàn và minh bạch hơn. Hình thành và từng bước mở rộng kho dữ liệu tổng hợp, kho dữ liệu mở để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng phục vụ sáng tạo, triển khai các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số và xây dựng xã hội số.

z5955992148833_755c56747317ca5c741ed07c447764b8.jpg
Ông Lê Tấn Tới báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Uỷ ban Quốc phòng an ninh cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu. Hồ sơ dự án Luật đầy đủ, Báo cáo đánh giá tác động cơ bản đánh giá rõ các chính sách được đề nghị xây dựng, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.

“Có ý kiến cho rằng, đây là dự án Luật hết sức quan trọng, cần thiết, cấp bách để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, nhằm phục vụ quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế-xã hội, vừa thắt chặt dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin nên cần xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp”-ông Tới cho hay.

Về chiến lược dữ liệu, Uỷ ban Quốc phòng an ninh cơ bản nhất trí quy định về chiến lược dữ liệu quốc gia tại Điều 15 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định cụ thể về chiến lược dữ liệu quốc gia trong dự thảo Luật để thuận tiện trong quá trình triển khai thực hiện.

Về cung cấp dữ liệu cho cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, ông Tới thông tin Uỷ ban này cơ bản nhất trí với nội dung quy định của dự thảo Luật về cung cấp dữ liệu cho cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội. Tuy nhiên đề nghị rà soát các quy định để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy định của Hiến pháp. Đồng thời quy định biện pháp để bảo đảm an toàn thông tin của tổ chức, cá nhân khi thực hiện các quy định này.

Về thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, Uỷ ban Quốc phòng an ninh cơ bản nhất trí quy định về thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia quy định tại Điều 34 của dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ nguồn lực bảo đảm cho hoạt động thu thập, cập nhật, đồng bộ dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Về phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan nhà nước quản lý, Uỷ ban Quốc phòng an ninh cơ bản nhất trí với quy định tại Điều 39 của dự thảo Luật, nhằm tạo nguồn tài chính để đầu tư, phục vụ hoạt động xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia và cơ sở dữ liệu khác do cơ quan nhà nước quản lý. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cho phép các tổ chức, cá nhân khác được phép khai thác miễn phí trên cơ sở đóng góp, cung cấp dữ liệu cho các cơ sở dữ liệu này, nhằm khuyến khích các chủ thể cung cấp, chia sẻ dữ liệu để tạo nguồn dữ liệu phong phú, đầy đủ.

Quang Vinh, Việt Thắng