Văn hóa

Đề nghị công nhận bảo vật quốc gia hiện vật bộ trang sức văn hóa Sa Huỳnh

Tấn Thành - Chí Đại 23/10/2024 07:08

Ngày 22/10, ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với các hiện vật thuộc bộ sưu tập trang sức vàng và mã não hình động vật ở khu mộ táng Lai Nghi.

anhbaiduoi(2).jpg
Một số trang sức tìm thấy lại khu mộ táng Lai Nghi. Ảnh: Bảo tàng Quảng Nam.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, đây là các hiện vật phát hiện được từ đợt khai quật khảo cổ ở khu mộ táng Lai Nghi, thuộc thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Di tích được phát hiện năm 2000 và được Bảo tàng Quảng Nam phối hợp với các nhà khảo cổ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Khảo cổ chung và so sánh (Viện Khảo cổ học quốc gia Đức) khai quật từ năm 2002 - 2004.

Ông Nguyễn Chiều - giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, các khuyên tai vàng được phát hiện ở di tích Lai Nghi cũng có thể được xem như là những khuyên tai vàng đầu tiên được phát hiện trong các di chỉ thuộc Văn hóa Sa Huỳnh.

Còn theo Tiến sĩ Andreas Reinecke - Trưởng đoàn khai quật Viện 3 Khảo cổ Chung và so sánh thuộc Viện Khảo cổ học quốc gia Đức, đây là di chỉ có số lượng hạt chuỗi bằng vàng phát hiện được nhiều nhất trong các di chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh đã được phát hiện từ trước đến nay ở Việt Nam. Trang sức vàng ở mộ chum Lai Nghi có hình thức độc đáo, đa dạng về loại hình, chất liệu.

Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Quảng Nam Trần Văn Đức cho biết: “Lý do lựa chọn vì đây là các hiện vật gốc, độc bản vì được phát hiện trực tiếp tại khu mộ táng Lai Nghi qua khai quật khảo cổ, có tầng văn hóa nguyên vẹn và đã được phân tích niên đại bằng nhiều phương pháp. Các hiện vật độc đáo về tạo hình, điển hình, có niên đại xác thực, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng qua khai quật khảo cổ học, có giá trị lịch sử, văn hóa, đáp ứng các tiêu chí được công nhận là bảo vật quốc gia”.

Cũng theo ông Đức, khu mộ táng Lai Nghi là địa điểm khảo cổ có đồ tùy táng phong phú và đa dạng. Tỉ lệ hiện vật chôn theo mỗi chum của Lai Nghi cao nhất trong số những địa điểm đã phát hiện và khai quật thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở Việt Nam. Với xuất xứ là hiện vật được tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ, tại vị trí ban đầu, ngay trong tầng văn hóa khiến cho các hiện vật này chứa đựng những thông tin khoa học quan trọng, có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề văn hóa - lịch sử liên quan đến di tích Lai Nghi và văn hóa Sa Huỳnh. Đây là hiện vật quý hiếm trong văn hóa Sa Huỳnh nói riêng và các nền văn minh cổ đại trên thế giới nói chung.

Tấn Thành - Chí Đại