Dẹp nạn ăn xin, 'chăn dắt' trẻ em
Sau khi nhiều cơ quan báo chí, truyền thông vào cuộc phản ánh về vấn nạn tái diễn tình trạng ăn xin, “chăn dắt” trẻ em trên đường phố, các cơ quan chức năng TPHCM đã lên tiếng đưa ra giải pháp quyết liệt để xử lý triệt để.
Từ đầu năm đến nay, Báo Đại Đoàn Kết đã triển khai một số bài viết về vấn nạn “chăn dắt” trẻ em, điển hình như các bài phản ánh “Nạn chăn dắt trẻ em, vì sao còn tái diễn?” (số ra ngày 15/4/2024); “TPHCM ngăn chặn triệt để tình trạng chăn dắt người già, trẻ em ăn xin” (số ra ngày 16/6/2024)... Nhiều cơ quan báo chí, truyền thông cũng đã vào cuộc phản ánh về vấn nạn này.
Ông Trần Quốc Dũng - Phó trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM) cho biết, nguyên nhân được Sở nắm bắt là do kinh tế khó khăn, nhiều người không có công việc ổn định nên đã nảy sinh hành vi “chăn dắt” trẻ em xin ăn ở gần các cơ sở tôn giáo, bến xe, cơ sở kinh doanh xăng dầu, chợ búa... Nhiều đối tượng còn thách thức đối với công tác kiểm tra xử lý bằng hành vi hướng dẫn trẻ em giả làm nghề bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su... Điều này đặt ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tuần tra, xử phạt.
Theo ông Dũng, hiện nay, tùy vào mức độ vi phạm quyền trẻ em, những người có trách nhiệm liên quan có thể bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng, đồng thời được yêu cầu nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính; thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, Sở LĐTBXH cũng đã có giải pháp phân loại, xử lý trường hợp trẻ ăn xin, trẻ bị “chăn dắt” theo từng nhóm. Đối với trường hợp sức khỏe yếu, mắc bệnh truyền nhiễm, có hành vi tâm thần, hành vi quá khích, Tổ Công tác khi tuần tra, phát hiện sẽ thực hiện lập biên bản, đồng thời đưa đến bệnh viện tuyến quận, huyện và TP Thủ Đức để hỗ trợ điều trị phù hợp.
Ông Dũng cũng cho biết, thời gian qua Sở LĐTBXH TPHCM đã tiếp nhận số trường hợp tới 1.314 trẻ em, người lang thang xin ăn và nhóm đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác.
Về phía Công an TPHCM, sau đợt ra quân xử phạt nạn “chăn dắt” trẻ em trên đường phố, đã lập danh sách quản lý 8 trường hợp thuộc diện nghi vấn “chăn dắt”. Đồng thời phối hợp với Sở LĐTBXH để quản lý đối với 143 người nước ngoài xin ăn, trong đó xử lý trục xuất 37 trường hợp trên 16 tuổi và bàn giao 46 trường hợp dưới 16 tuổi khác về nước.
Đại diện Công an TPHCM cho biết, một trong những nguyên nhân khiến nạn xin ăn tái diễn thời gian vừa qua là do nhiều người tại các tỉnh giáp ranh biên giới với Việt Nam đã nhập cảnh trở lại qua các cửa khẩu hoặc qua các đường tiểu ngạch để vào TPHCM và một số đô thị khác trên cả nước. Đa số các trường hợp này là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người già, trong đó có nhiều đối tượng đã bị trục xuất vẫn quay trở lại để xin ăn.
Trong những tháng cuối năm, Công an TPHCM và Sở LĐTBXH thành phố tiếp tục thực hiện cơ chế phối hợp với các quận, huyện và TP Thủ Đức để thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn. Riêng Sở LĐTBXH thành phố sẽ tăng cường công tác tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần bảo vệ khẩn cấp hoặc tự nguyện sống tại cơ sở trợ giúp xã hội.