Giáo dục

Tuyển sinh lớp 10: Đảm bảo đầu vào và nâng chất đầu ra - Bài 3: Để hướng nghiệp, phân luồng đi vào thực chất

Đoàn Xá - Minh Quang 23/10/2024 09:19

Với khoảng gần 100.000 thí sinh dự thi mỗi năm, cuộc đua tranh suất vào lớp 10 công lập tại TPHCM luôn áp lực với người học. Nhằm đảm bảo việc phân luồng, hướng nghiệp hiệu quả, mới đây Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM đã đề nghị bổ sung lựa chọn nguyện vọng 4 là vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) bên cạnh 3 nguyện vọng tuyển sinh lớp 10 công lập.

Thí sinh dự thi lớp 10 ở TPHCM năm 2024. Ảnh: Đoàn Xá.
Thí sinh dự thi lớp 10 ở TPHCM năm 2024. Ảnh: Đoàn Xá.

Ưu tiên ổn định kỳ thi

Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM đã công bố cấu trúc đề thi lớp 10 năm học 2025-2026 tới. Theo đó, đề thi lớp 10 vẫn gồm 3 môn Toán, Ngữ văn và ngoại ngữ (tiếng Anh). Thậm chí, cấu trúc đề thi 3 môn cũng không có nhiều điểm thay đổi so với những năm trước, nhằm mang tới sự ổn định cho việc dạy và học cũng như tâm lý học sinh, phụ huynh, tránh tạo thêm áp lực.

Về nội dung thi, chỉ có một thay đổi nhỏ dự kiến là ở môn chuyên (có một lượng nhỏ thí sinh tham gia vì TPHCM đã bỏ đào tạo hệ chuyên với trường THPT thường) với việc thay thế môn chuyên (gồm Lý, Hoá, Sinh, Lịch sử, Địa lý) bằng bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, là tổ hợp của một số môn trong những môn kể trên.

Khi được hỏi ý kiến, các giáo viên và hiệu trưởng ở TPHCM cho biết hoàn toàn hưởng ứng dự thảo đề xuất của Bộ GDĐT với 2 môn bắt buộc (Toán và Ngữ văn) cùng một môn tự chọn là ngoại ngữ (tiếng Anh) như tại TPHCM lâu nay.

Theo ông Trần Văn Luyện - Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng (quận 5), những năm qua tại TPHCM, các chương trình, đề án của thành phố cũng hướng tới việc nâng cao năng lực ngoại ngữ tiếng Anh cho học sinh nhằm đáp ứng theo yêu cầu của một thành phố hội nhập. Do đó, việc tiếng Anh là môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh 10 là hết sức phù hợp, cần thiết và mang hiệu quả lâu dài chứ không chỉ dừng ở việc hạn chế học sinh học lệch, học tủ.

Tương tự, ông Ngô Văn Lộc - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) cũng cho rằng việc tiếp tục duy trì môn tiếng Anh là môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là đúng đắn, phù hợp. Theo ông Lộc, điều này phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị là từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế đặc biệt là sẽ tạo tâm lý ổn định cho học sinh, phụ huynh. Ngược lại, những xáo trộn không cần thiết sẽ tạo thêm áp lực, gây tâm lý bất an cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và cả chương trình giảng dạy.

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GDĐT TPHCM cho rằng, nhiều năm qua kỳ thi tuyển lớp 10 của TPHCM đã được giữ ổn định với 3 môn thi Toán, Ngữ văn cùng môn thi thứ ba là ngoại ngữ và kết quả học tập của học sinh vẫn luôn đảm bảo về mục tiêu, định hướng của chương trình. Cùng đó, chương trình thi luôn có sự đổi mới theo định hướng tăng cường các câu hỏi vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tế của cuộc sống. Thực hiện Kết luận 91 ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” cùng nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ GDĐT từ năm học 2024 - 2025, TPHCM từng bước chuẩn bị cho quá trình thí điểm đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Do đó, việc TPHCM chọn môn thứ 3 trong thi tuyển lớp 10 là ngoại ngữ (tiếng Anh) như những năm qua là phù hợp với mục tiêu phát triển xuyên suốt của ngành.

Xu hướng lựa chọn tích cực của người học

Giống như Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập hàng năm tại TPHCM luôn là một cuộc đua căng thẳng, bởi chỉ có khoảng 70% học sinh trúng tuyển. Ở mùa tuyển sinh 2024 - 2025, thành phố có khoảng 98.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 ở các trường chỉ hơn 77.000 em.

Thực tế cho thấy, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM từ năm 2020 đến nay liên tục tăng. Song số lượng học sinh đăng ký dự thi lớp 10 còn tăng với mức độ nhanh hơn. Trong đó riêng năm 2023 có số lượng thí sinh dự thi tăng đột biến. Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm 2023 tăng gần 5.000 so với năm 2022, nhưng số thí sinh dự thi tăng khoảng 10.000. Điều này khiến tỷ lệ chọi tăng cao, số thí sinh trượt lớp 10 công lập tăng vọt so với năm 2022.

Đáng lưu ý, các thống kê cho thấy trong năm 2019, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký dự thi lớp 10 tại TPHCM giảm khoảng hơn 9.000 so với năm 2018, bởi năm này có đến hơn 24.000 học sinh không đăng ký dự thi lớp 10. Từ năm 2022 đến nay, số học sinh không đăng ký dự thi lớp 10 tại TPHCM cũng liên tục giảm. Năm 2024, TPHCM có 98.681/114.933 học sinh lớp 9 đăng ký thi lớp 10, 16.252 em không đăng ký.

Lý giải về nguyên nhân học sinh không tham gia đăng ký thi lớp 10, lãnh đạo Sở GDĐT TPHCM cho biết đã thực hiện khảo sát sơ bộ tại các phòng GDĐT quận, huyện và TP Thủ Đức. Kết quả cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các em không đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 như: Diện tuyển thẳng vào lớp 10 (7,42%), lựa chọn du học hoặc chuyển địa bàn cư trú (9,37%), lý do khác (3,58%). Đặc biệt trong số này, tỷ lệ học sinh lựa chọn học nghề tại các trường cao đẳng hoặc trung cấp, học tập tại trung tâm giáo dục thường xuyên - GDNN hoặc tiếp tục học tại các trường tư thục chiếm tỷ lệ cao nhất (79,63%). Điều này cho thấy việc chọn lựa hướng đi sau tốt nghiệp THCS phù hợp với nhu cầu học tập và phát triển nghề nghiệp của cá nhân, tương ứng sự phát triển của xã hội đang là xu hướng tích cực trong học sinh và phụ huynh.

Qua ghi nhận, kỳ thi lớp 10 ở TPHCM cũng như nhiều địa phương phía Nam không chỉ có mục đích tuyển chọn những thí sinh tốt nhất cho hệ thống trường THPT công lập mà còn để phân loại, định hướng, phân luồng thí sinh theo học trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên.

Dẫu thế, hiện công tác hướng nghiệp thí sinh vào hệ thống trường nghề (khi không đủ tiêu chuẩn vào trường THPT công lập) chưa tạo ra hiệu quả thiết thực là nhóm lao động có tay nghề. Theo đó, dù số lượng học viên tham gia trường nghề ở nhóm sau THCS (lớp 9) vẫn khả quan nhưng học viên chủ yếu là tham gia chương trình đào tạo nghề ngắn hạn, thay vì nghề có tính chuyên sâu với thời gian đào tạo 2-3 năm.

Bên cạnh đó, một xu hướng khác dù chưa phản ánh toàn bộ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 nhưng đã diễn ra trong 2 - 3 năm trở lại đây là tình trạng hàng ngàn học sinh trúng tuyển nhưng không nhập học. Điều này có vẻ mâu thuẫn với sự cạnh tranh gay gắt, số lượng thí sinh không trúng tuyển lớn… nhưng đã diễn ra và có xu hướng lặp lại. Thậm chí nhiều trường THPT ở khu vực trung tâm đã phải tuyển sinh bổ sung nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu. Tình trạng thí sinh “chê” các suất học công lập THPT xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là sự lớn mạnh, cạnh tranh sòng phẳng từ nhóm các THPT tư thục, dân lập, quốc tế… trên địa bàn TPHCM. Dù gặp bất lợi so với nhóm trường công, nhưng các trường ngoài công lập có lợi thế là sự cơ động, đổi mới nhanh chóng và đáp ứng đúng tiêu chí của người học, đã ảnh hưởng đáng kể tới công tác chung.

Đề xuất nguyện vọng 4 vào trường nghề

Mới đây nhất, tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và GDNN đối với học sinh THCS và THPT giai đoạn 2023 – 2025 giữa Sở GDĐT và Sở LĐTBXH, nhiều đại biểu đã đề xuất trong kỳ thi lớp 10 sắp tới, ngoài 3 nguyện vọng quen thuộc, nguyện vọng thứ 4 là danh mục các trường nghề để học sinh chọn lựa.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thành - Trưởng phòng GDNN - (Sở LĐTBXH TPHCM) cho hay, đơn vị sẽ phối hợp với Sở GDĐT để tham mưu UBND thành phố quy định cụ thể hơn chỉ tiêu vào lớp 10 công lập và vào học GDNN. Theo đó, 2 ngành sẽ đề xuất chỉ tiêu 65% vào lớp 10 công lập, 15% vào học lớp 10 tại các trường THPT ngoài công lập và các Trung tâm giáo dục thường xuyên, 20% vào học GDNN. Ngoài ra, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội còn đề xuất bổ sung lựa chọn nguyện vọng 4 là các cơ sở GDNN bên cạnh 3 nguyện vọng tuyển sinh lớp 10 trong hệ thống tuyển sinh do ngành GDĐT vận hành.

Ông Thành cho biết, thời gian tới, Phòng GDNN sẽ phối hợp với các trường đại học để tổ chức khóa bồi dưỡng về tư vấn, hướng nghiệp cho đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên làm công tác hướng nghiệp tại các trường THCS. Cùng với đó, là việc phối hợp tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh THCS đến tham quan, tìm hiểu các mô hình đào tạo, tư vấn trực tiếp, trắc nghiệm tâm lý để xác định sở trường của từng em. Từ đó, hướng nghiệp cho các học sinh THCS để giúp các em sớm lựa chọn hướng đi phù hợp.

Công tác hướng nghiệp chưa bài bản

Ông Trần Anh Tuấn 2
Ông Trần Anh Tuấn.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhìn nhận, công tác phân luồng dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng công tác tư vấn vẫn còn nhiều hạn chế, khiến TPHCM chưa đạt được chỉ tiêu đề ra. Tại các trường học không có lực lượng chuyên trách về tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Giáo viên không được đào tạo về chuyên môn để hướng nghiệp, đội ngũ tư vấn còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình hướng nghiệp.

(còn nữa)

Đoàn Xá - Minh Quang