Điều gì đang xảy ra khi đấu giá mỏ cát?
Phiên đấu giá “xuyên đêm” một mỏ cát tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, kết thúc vào lúc rạng sáng 19/10 sau 200 vòng đầy kịch tính, giá chốt cho 159.000m3 cát lên tới 370 tỷ đồng (giá khởi điểm 1,8 tỷ đồng) khiến dư luận kinh ngạc.
Tuy nhiên, đây cũng không phải lần đầu tiên và cũng không chỉ ở Quảng Nam. Vậy, điều gì đang xảy ra trong vụ đấu giá mỏ cát? Và vì sao như vậy?
Trước đó, ngày 4/10/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã ra quyết định hủy kết quả lựa chọn đơn vị thực hiện gói thầu tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, Tây Đằng - Minh Châu và Châu Sơn thuộc huyện Ba Vì; với tổng số tiền các tổ chức, cá nhân trả trong các phiên đấu giá lên tới gần 1.700 tỷ đồng. Lý do: Nhà thầu vi phạm quy định của Luật Đấu thầu; cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong các hồ sơ liên quan nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Không khó để nhận thấy việc đẩy giá lên cao trong đấu giá có dấu hiệu thao túng thị trường để trục lợi bất chính. Nhiều trường hợp khi tham gia đấu giá đã liên tục trả giá cao, nhưng sau đó lại “quay xe”, kể cả thắng cuộc. Trường hợp “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu cũng đã từng xảy ra khiến cho việc đấu giá thiếu trung thực.
Riêng với đấu thầu quyền khai thác mỏ cát là vấn đề đang rất nóng, khi mà giá nguyên vật liệu xây dựng (trong đó có cát) ngày càng leo thang. Việc thiếu cát làm vật liệu san lấp xây dựng cao tốc cũng rất trầm trọng. Chính phủ cùng các địa phương đã phải họp bàn nhiều lần tìm cách tháo gỡ. Cùng đó, nạn “cát tặc” hoành hành trên nhiều tuyến sông, làm mất trật tự trị an tại địa phương; lòng sông bị khoét sâu tạo ra vũng xoáy nguy hiểm cho giao thông thủy. Dòng chảy của sông thay đổi “gặm” vào bờ gây sạt lở, mất đất sản xuất, ảnh hưởng xấu tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Vì thế, việc tổ chức đấu thầu khai thác các mỏ cát được cho là giải pháp đưa việc khai thác khoáng sản vào nề nếp, đúng pháp luật và bền vững. Tuy nhiên, với những sự cố xảy ra thời gian qua cho thấy công tác tổ chức đấu thầu cần phải được siết lại ngay từ các khâu đầu tiên, không đợi đến lúc có dấu hiệu bất thường lãnh đạo địa phương mới tạm dừng công nhận kết quả đấu giá, kể cả hủy kết quả đấu giá, tuy rằng đó là điều cần thiết.
Không cần phải am hiểu sâu lĩnh vực tài chính, kinh doanh, đầu tư cũng có thể thấy ngay việc đấu giá thiếu minh bạch khi các đơn vị tham gia đấu giá đua nhau “tâng” giá đến ngưỡng cao ngất ngưởng. Cụ thể với vụ đấu giá khai thác một mỏ cát mới đây ở tỉnh Quảng Nam, tính ra 1m3 cát lên tới 2,3 triệu đồng (chưa kể chi phí khai thác, thuế, phí), trong khi giá cát xây dựng hiện ở mức 390.000 - 450.000 đồng/m3. Đó là điều phi lý. Nhưng điều phi lý ấy vẫn diễn ra.
Vấn đề là phải làm rõ nguyên nhân để từ đó cảnh tỉnh, răn đe và xử lý sai phạm (nếu có), nhằm mục đích đã là đấu thầu thì phải khách quan, minh bạch, loại bỏ lợi ích nhóm, không bắt tay trục lợi.
Trong trường hợp đơn vị chốt giá khủng khi tham gia đấu giá nhằm cố tình đẩy giá lên cao rồi bỏ cọc, thì rất cần tăng chế tài xử phạt nghiêm khắc; nhất là cần phải nâng tỉ lệ tiền đặt cọc lên. Còn nếu đã trúng đấu giá nhưng bỏ thì cùng việc mất tiền đặt cọc còn phải chịu mức phạt nặng. Chỉ có như vậy mới hy vọng làm chùn tay những đơn vị cố tình thổi giá, làm trò, trục lợi.
Liên quan đến vấn đề này, một số ý kiến cho rằng, các đơn vị tham gia đấu thầu nâng giá lên gấp nhiều lần so với giá khởi điểm có thể còn do họ đã biết trữ lượng thực của mỏ cát là rất lớn, chứ không chỉ như con số được cơ quan chức năng đưa ra, nên sẵn sàng trả giá cao để được quyền khai thác. Nếu đúng như vậy thì có khuất tất gì trong việc đánh giá trữ lượng mỏ cát không?
Kích giá, thổi giá gây nhiễu loạn thị trường để trục lợi, đó là hành vi vi phạm pháp luật. Trước mắt, dư luận đang chờ kết quả xử lý vụ đấu giá quyền khai thác một mỏ cát rất phi lý ở tỉnh Quảng Nam.