Bấp bênh nữ lao động di cư
Phần lớn lao động nữ di cư làm việc không có hợp đồng, điều này đồng nghĩa với việc họ không được hưởng các quyền lợi về an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cùng với đó, thu nhập bấp bênh buộc họ phải chọn lựa nơi ở giá rẻ, không an toàn.
“Thiếu đủ thứ”
Đây là cụm từ được các lao động nữ di cư miêu tả khi hỏi về cuộc sống nơi thành phố. Chia sẻ về cuộc sống của mình, chị Nguyễn Thị Hậu, chủ sạp hàng rau quả tại chợ Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) giãi bày: Buổi sáng giờ làm việc của tôi bắt đầu từ lúc 4 giờ. Sau khi lấy rau, quả từ chợ đầu mối, tôi đưa về chợ để bán lẻ. Bán đến quá trưa chợ nghỉ nên đóng cửa hàng. Buổi chiều thay vì nghỉ ngơi lấy lại sức thì tôi tranh thủ đi làm giúp việc theo giờ. Nếu không làm sẽ không đủ tiền thuê nhà rồi tiền học cho con.
“Ra Hà Nội lập nghiệp gần 20 năm, cuộc sống tuy vất vả nhưng vẫn có việc để làm và có chút tích lũy. Tuy nhiên những ngày lễ nhìn tụi nhỏ được tham gia các hoạt động cộng đồng (Tết Trung thu, Ngày Quốc tế thiếu nhi) nhưng con mình không được tham gia, nghĩ cũng chạnh lòng. Dù cảnh này đã quá quen thuộc với mọi người nơi đây nhưng ở khía cạnh chính sách, mình vẫn là người ngoài vì là lao động di cư” - chị Hậu trải lòng.
Các chuyên gia cũng đánh giá, lao động nữ di cư đóng góp một phần không nhỏ vào nền kinh tế của các tỉnh, thành phố khi họ đến, nhưng họ lại chưa được đối xử công bằng và hưởng đầy đủ quyền lợi. Mặc dù thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là hội phụ nữ và công đoàn các cấp cùng các tổ chức phi chính phủ đã có những chương trình hỗ trợ cho lao động di cư. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn còn hạn chế. Các chương trình thường không đến được với tất cả người lao động, đặc biệt là những người làm việc tự do hoặc không có hợp đồng chính thức.
Bà Nguyễn Thị Lan - chuyên gia nghiên cứu về lao động tại Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết: Phụ nữ di cư thường gặp phải những khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục cho con cái hay nhà ở. Điều này là do họ không có hộ khẩu tại nơi làm việc, trong khi nhiều quyền lợi chỉ áp dụng cho người có hộ khẩu thường trú.
Không chỉ làm việc vất vả, đa số nữ lao động di cư thường phải thuê trọ trong những căn nhà tạm bợ với giá rẻ vì mục đích lớn nhất của họ là gửi tiền về cho gia đình. Vì nhà trọ chỉ là nơi để ngủ sau 1 ngày lao động vất vả, nên tiền cho 1 tháng thuê trọ dao động từ 600.000 - 1,2 triệu đồng.
Rút ngắn khoảng cách tiếp cận chính sách
Trên thực tế, công bố mới đây của Trung tâm Phát triển và Hội nhập cho thấy, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam hiện ở mức 72%, cao thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, có tới 81,6% lao động nữ chưa được đào tạo nghề và đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trên thực tế, sự bất bình đẳng tồn tại cả về điều kiện việc làm, trả lương, lẫn trong thăng tiến nghề nghiệp. Khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ đang là gần 13%.
Trước thực tế trên, theo các chuyên gia, để những phụ nữ di cư thực sự phát triển và có cuộc sống ổn định, đóng góp cho xã hội một cách bền vững cần có sự thay đổi từ cả chính sách và cách tiếp cận của xã hội đối với vấn đề này. Các chính sách không chỉ tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi mà còn phải giúp họ hòa nhập cuộc sống đô thị, từ việc cung cấp chỗ ở, giáo dục cho con cái đến tiếp cận dịch vụ công cộng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân thì vấn đề chỗ ở hiện nay đang là vấn đề cấp bách đối với lao động di cư, đặc biệt là công nhân lao động tại các khu công nghiệp.
“Những năm qua, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được quan tâm. Tuy nhiên, đến nay kết quả thực hiện vẫn còn rất khiêm tốn. Nhà nước cần có quy hoạch và dành quỹ đất cho xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động. Trong đó, không phân biệt người thường trú hay người tạm trú, bên cạnh việc đa dạng hóa hình thức cung ứng và loại hình nhà ở cho người lao động” - PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu khuyến nghị.
Cũng theo ông Hiếu, để giải quyết tốt hơn vấn đề việc làm và đời sống của lao động di cư, cần có chính sách khuyến khích di cư theo mạng lưới giúp tăng tính vững chắc về việc làm, cuộc sống, tiếp cận dịch vụ công, bảo đảm đời sống tinh thần và hòa nhập cộng đồng của người di cư ở điểm đến. Vai trò của chính quyền, người di cư, đơn vị cung ứng lao động, nhà thầu sử dụng lao động và cộng đồng địa phương trong việc hỗ trợ người di cư hòa nhập cộng đồng nơi đến là rất quan trọng.
Đồng quan điểm, theo PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, để hỗ trợ lao động nữ di cư, các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội cần hỗ trợ đầu tiên là về điều kiện thuê nhà để họ được sống trong môi trường đảm bảo an toàn, đáp ứng được nhu cầu tối thiểu.
Đồng thời, vận động và hỗ trợ lao động nữ di cư mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để họ ổn định cuộc sống, yên tâm lập nghiệp và phòng ngừa rủi ro như ốm đau, tai nạn… Bên cạnh đó, cần có các chương trình đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho lao động nữ nhằm giúp họ có thể cải thiện điều kiện sống và thoát cảnh lao động không ổn định.
Công bố mới đây của Trung tâm Phát triển và Hội nhập cho thấy, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Việt Nam hiện ở mức 72%, cao thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, có tới 81,6% lao động nữ chưa được đào tạo nghề và đang phải đối mặt với nhiều thách thức.