Tinh hoa Việt

Hoạ sĩ Đặng Kim Ngân: Lát cắt hoài niệm về Hà Nội

Việt Quỳnh 23/10/2024 13:46

Hoạ sĩ Đặng Kim Ngân sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, chuyển vào sống ở TPHCM. Vì thế, Hà Nội trong chị vừa quen vừa lạ. Với lối vẽ riêng biệt hiếm gặp, hoạ sĩ Đặng Kim Ngân đã cho ra mắt 18 tác phẩm với chất liệu chì màu khổ lớn từ nỗi nhớ, hoài niệm về Hà Nội. Triển lãm "Mây ký ức” của hoạ sĩ Đặng Kim Ngân kéo dài đến 13/10 tại Hà Nội đang nhận được sự quan tâm từ công chúng và đông đảo giới chuyên môn.

chan dung Hs Dang Kim Ngan
chan dung Hs Dang Kim Ngan

Thời gian thì vô tình và vô hình, không ai nắm giữ được. Nó bắt buộc con người ta phải luôn cảm nhận về nó mọi lúc, mọi nơi. Trên những nếp nhăn đồi mồi của làn da, những mảng tường cũ kỹ rêu phong nứt vỡ, những bụi bặm phủ bám đâu đó trên đồ vật, những thân cây sù sì gốc rễ ôm tràn gập ghềnh vỉa hè phố nhỏ. Thời gian, nó thực sự hữu hình hay vô hình? Ai có thể trả lời?

Ngẫm nghĩ, tình cảm của tôi với Hà Nội thật lạ kỳ. Vừa giận, vừa hờn, vừa yêu, vừa ngại. Nhung nhớ đó, lại muốn lãng quên. Không về Hà Nội thì lòng lao xao nhớ những cơn gió đầu mùa, cái lạnh ẩm ương se sắt, cái nắng gắt mùa hè, cái mát dịu mơ màng mùa thu. Các mùa theo gió mây lãng đãng, thấm đẫm tuổi đôi mươi mà không hay không biết. Rồi mỗi khi trở về, lại chỉ muốn âm thầm lẩn khuất lặng ngắm chốn xưa. Hà Nội đã đổi thay, để người xa hương mỗi lần tìm về, lại hoang mang đào bới trong đống bộn bề mà tìm lại thanh vắng trong lòng.

Ký ức như đám rễ cây cố chấp, bám chặt vào đất không buông bỏ. Mà có nên buông bỏ? Ký ức quí giá ấy, được lưu lại rõ ràng trên canvas, thật may mắn biết bao.

Bộ tranh là những ngôi nhà với rễ cây bám víu quấn quýt xung quanh đang bay lên trời. Ý tưởng hiện ra từ một lần trở về Hà Nội, nơi tôi sinh ra, thăm lại những ngôi nhà của ông bà tôi ngày xưa, những ngôi nhà hoặc cũ kỹ xuống cấp, hoặc đã bị đập bỏ xây mới, và đây là cách tôi diễn tả thời gian mà các thế hệ của gia đình mình đã trải qua. Rộng hơn, đây cũng là cảm xúc của tôi đối với Hà Nội cổ kính và nhiều kỷ niệm thời thơ ấu nay đã thay đổi cả về cảnh quan, cuộc sống cũng như con người.

“Cội rễ” được vẽ bằng chì màu trên vải, dùng thủ pháp tả thực, nhưng vật chủ được đặt để trong không gian ảo và bỏ qua các nguyên tắc vật lý để đạt được tính ẩn dụ trong ý đồ tôi muốn thể hiện: Ký ức về một thời đã qua.

Hoạ sĩ Đặng Kim Ngân chia sẻ.

Chị đã mất 5 năm để hoàn thiện 18 bức vẽ về Hà Nội khổ lớn này?

- Bộ tranh được thực hiện không hoàn toàn liên tục, có lúc phải dừng lại cả năm do yếu tố khách quan. Tôi có ý định vẽ về Hà Nội vào năm 2018, 2019. Trong một lần về thăm Hà Nội, tôi đứng trên sân thượng ngôi nhà xây kiểu Pháp, nhìn thấy mái ngói và các mảnh sân của những ngôi nhà bủa vây chật chội xung quanh. Đứng nơi đó, giống như thể trở về quá khứ. Từ đó, ý tưởng tạo bố cục theo hình tròn nảy ra. Vòng tròn quẩn quanh của nỗi nhớ vốn trừu tượng bỗng hiện lên theo cách rõ ràng nhất, và rồi, nỗi nhớ tiếp tục chuyển động theo diễn biến tự nhiên của những hình dung mang tính hình ảnh, lúc giằng co, lúc bay bổng.

Dường như càng đi xa, phố quê yêu dấu sẽ xuất hiện theo cách khắc ghi từng mảnh ký ức như thế?

- Điều đó thì ai đi xa cũng hiểu, cũng thấu. Điều gì càng ấn tượng sẽ càng khó quên. Có lẽ do một thời gian dài từ khi học lớp Một cho đến hết những năm cấp hai, tôi đều đặn đi bộ đi học từ Vân Hồ tới phố Hàm Long, rồi lại từ trường trở về nhà. Đó là quãng đường khá xa cho một đứa trẻ, và con đường đi học với những hàng cây, ngôi nhà, 4 mùa thay sắc đã thấm vào tôi một cách tự nhiên, sâu sắc nhất.

Chị đến với hội hoạ ra sao?

- Tôi thích vẽ từ nhỏ, may mắn là bố mẹ tôi cũng yêu vẽ. Ngày xưa bố tôi thường dắt tôi ra công viên Thống Nhất vẽ phong cảnh. Còn mẹ thì cùng tôi làm thủ công, làm đồ chơi, trang trí và sáng tạo nhiều thứ. Tuổi thơ của tôi thơ mộng, ngọt ngào, cỏ cây hoa lá xung quanh luôn khiến tôi cảm giác như mình đang sống trong vườn thượng uyển.

Ngay khi chọn trường đại học tôi cũng chỉ chọn thi đại học Mỹ thuật. Và cho dù sau khi ra trường làm nhiều việc để mưu sinh, tôi vẫn cảm thấy chỉ có thể là bản thân mình khi tĩnh tâm ngồi vẽ. Tôi vốn nhút nhát, không giỏi giao tiếp, các công việc cần có đầu óc kinh doanh đều không hợp với tôi, chỉ có hội họa mới khiến tinh thần tôi cân bằng, an yên, chỉ khi ngồi vẽ tôi mới thấy thời gian của mình có giá trị.

Những chặng đường hội hoạ của chị cùng với việc gắn bó với nghề?

- Cuối thập niên 80, tôi học luyện thi tại trường Đại học Mỹ thuật, phố Yết Kiêu, Hà Nội. Đến năm 1991, tôi theo gia đình chuyển vào Nam sinh sống và học Đại học Mỹ thuật TPHCM, chuyên khoa lụa. Sau khi ra trường, tôi vẽ minh họa sách thiếu nhi cho NXB Trẻ, minh họa cho báo, làm bìa sách, phụ trách vẽ chất liệu cho các trò chơi điện tử của một cty nước ngoài. Đến năm 2010 thì tôi nghỉ việc và bắt đầu tìm về với hội hoạ. Nhưng phải đến năm 2015, tôi tham gia nhiều cuộc triển lãm nhóm hơn và nghiêm túc tìm cho mình định hướng sáng tác.

Từ 2019 đến nay, tôi tập trung cho bộ tranh “Mây ký ức “ nên ít có thời gian tham gia hội nhóm.

Sống ở hai thành phố, hai khoảng không gian khác nhau, văn hoá khác nhau, nhịp điệu khác nhau như thế nào? Nỗi nhớ ấy đã ghi trong tim chị ra sao, để khi rời xa Hà Nội, chị vẽ về Hà Nội như thế?

- Mỗi khi Sài Gòn - TPHCM chuyển mưa khoảng tháng Năm và mát dần vào cuối năm, hình ảnh về Hà Nội lại hiện lên rõ ràng, làm tôi xốn xang nhớ Hà Nội. Tôi yêu bốn mùa của Hà Nội, nhất là mùa thu và mùa đông. Tôi nhớ những cơn gió giao mùa, mùi hương hoa của những hàng cây trên phố. Phố phường Hà Nội trong tôi luôn mang dáng vẻ ấm áp, trầm mặc. Vừa thân thương lại vừa khiến tôi tò mò muốn hiểu, muốn đoán: những con người, tính cách, thói quen, nếp sống… sau những cánh cửa cũ kỹ bạc màu, những ngõ tối nhỏ hẹp chật chội… họ mang dáng vẻ ra sao, giọng nói thế nào? Họ đang vui vẻ hay buồn bã…?

Tôi muốn người xem, qua những cánh cửa trong tranh, tự hình dung về những thế hệ người Hà nội đã để lại dấu ấn cá tính của mình nơi đó. Chiều sâu không gian trong tranh là chiều sâu gợi mở dành cho người thưởng lãm.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!

Việt Quỳnh