Tinh hoa Việt

Nhà nghiên cứu Phật học - Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn (Thiền Phong): Phật Pháp như hương thơm đoá sen

Việt Quỳnh 23/10/2024 13:48

Tiến sĩ Thiền Phong - Phạm Văn Tuấn là nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Phật giáo, đồng thời đã nhiều năm sống trong các tự viện trong nước cũng như đi đến nhiều nước để tìm hiểu văn hóa tín ngưỡng bản địa.

PV: Là nhà nghiên cứu Phật học, anh có thể chia sẻ về vị trí Phật giáo Việt Nam trên thế giới?

TS Thien Phong Pham Van Tuan 2
TS Thien Phong Pham Van Tuan 2

Tiến sĩ THIỀN PHONG - PHẠM VĂN TUẤN: Việt Nam có khoảng hai nghìn năm lịch sử Phật giáo. Trong khoảng hai nghìn năm qua, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc. Đây cũng là sự phát triển chung các nước phát triển Phật giáo. Phật giáo ở quốc gia nào cũng có lúc thịnh lúc suy, nhưng trên cơ sở nhân văn của tôn giáo đạo Phật, để luôn đem đến những giá trị tốt đẹp đến với mọi người. Hiện nay, thế giới đã phát triển hơn, gần nhau hơn, cũng là cơ hội để Phật giáo nước ta ngày càng phát triển.

20 năm qua, Phật giáo tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, anh có thể chia sẻ thêm?

- Đúng là hai mươi năm qua Phật giáo ở Việt Nam rất phát triển, nhưng cũng là sự tích lũy từ hàng trăm năm trước lại. Tu hành là cá nhân, nhưng cá nhân trong tổng quan tôn giáo, sự lan tỏa, cộng hưởng và ảnh hưởng các giá trị đạo đức xã hội, thì thấy từng cá nhân không chỉ đời sống và tu hành tốt hơn, mà sự lan tỏa cũng tốt hơn. Nước ta xưa nay luôn chú trọng các vấn đề giáo dục, đặc biệt giáo dục trong tôn giáo, hàng nghìn năm qua Phật giáo luôn được quan tâm, thúc đẩy phát triển giáo dục thì hiện nay, các tăng ni đi khắp thế giới du học, sau hoặc về nước tu hành, hoặc ở nước ngoài lan tỏa đạo pháp.

“Con đường minh triết có giá trị thực tiễn được Đức Phật khai sáng có khả năng giúp thế giới này trở thành nơi hòa hợp, hòa bình, theo đó, các gia đình hạnh phúc, các xã hội bền vững, an toàn và đáng sống hơn”, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Chủ tịch Ủy ban tổ chức Quốc tế Vesak Liên hợp quốc 2025 tại Việt Nam.

Sự phát triển tôn giáo Phật giáo hiện nay cho thấy các giá trị của xã hội ngày càng tốt hơn, trong đó đặc biệt là sự ổn định và phát triển của chính trị, kinh tế và văn hóa. Giáo hội Phật giáo Việt Nam với các ban: Tăng sự, Giáo dục Tăng ni, Từ thiện xã hội, Phật giáo quốc tế, Pháp chế, Nghi lễ, Hoằng pháp, Thông tin Truyền thông, Văn hóa… luôn luôn gắn liền với đời sống tu hành của tăng ni Phật tử ở các chùa chiền và cũng là gắn liền với đời sống xã hội, đem lại nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội. Đặc biệt, Học viện Phật giáo ba miền đã đào tạo nhiều tăng ni; các trường Trung cấp Phật học ở các địa phương cũng vun mầm cho tôn giáo. Ngoài ra, các tăng ni du học ngày càng nhiều hơn… Tôi nghĩ rằng, việc tu học là việc quan trọng hàng đầu trong tình hình Phật giáo hiện nay. Vấn đề tu học của tăng ni và tín đồ Phật giáo đang được chính quyền và phía tôn giáo phát triển rất tốt trong thời gian qua, và đương nhiên hi vọng ngày càng sâu hơn, chất lượng tốt hơn, thành tựu hơn.

Nhưng dường như nhiều người dân vẫn chưa hiểu được bản chất của Phật Pháp là gì?

- Việc chưa hiểu bản chất Phật pháp là thường và thời nào cũng có. Nhưng vấn đề là nhiều người ngày càng hiểu dần, thì lại tốt. Phật pháp như hương thơm của đóa hoa sen tỏa đến mọi người, khiến xã hội ngày càng tốt đẹp hơn nữa và lan tỏa làm dịu đi những tổn thương, bất cập trong đời sống nhân sinh… thì lại càng ý nghĩa.

Có thể nói, đó là những lời dạy của Đức Phật trên con đường đến tỉnh thức?

- Đúng vậy!

Như vậy có thể nói, Đạo Phật, là con đường thực hành cũng như rèn luyện tâm?

- Rèn luyện tâm là cách nói rất sâu, rất đúng, là gốc của vấn đề. Nhưng thực hành, rèn luyện tâm thế nào thì là cả quá trình và từng bước.

Như vậy, việc lễ bái, cầu cúng Đức Phật như một vị có quyền năng ban phát mọi thứ, thoả mãn mọi mong cầu của chúng sinh có phải đúng đắn?

- Đạo Phật không cầu cúng lễ bái như cái chúng ta đang thấy hiện nay trong tín đồ Phật giáo và xã hội nói chung. Ngày nay người ta luôn có xu hướng đi tìm đạo Phật nguyên chất, đúng, gần nhất, với đạo Phật của đức Phật. Các nhà nghiên cứu tiệm cận đủ loại kinh tạng qua đủ loại ngôn ngữ, và hàng chục năm nghiên cứu, nhưng họ cũng chỉ phân tích, đưa ra được những giá trị nhất định chứ không phải là thấy, nhìn ra, phân tích ra đời sống tu hành của hơn hai nghìn năm trước. Các nhà nghiên cứu, các nhà tu hành - hành giả và học giả có uy tín học thuật đều cho rằng tính chất bản địa là mấu chốt của tín ngưỡng. Đạo Phật phát triển ở đâu cũng chịu ảnh hưởng qua lại với văn hóa bản địa. Cho nên, đạo Phật là của hiện tại, trên nền tảng phát triển của nhiều vấn đề tại cá nhân, xã hội, quốc gia và thậm chí tình hình chung thế giới, từ đó điều tức thân tâm của từng cá nhân có niềm tin theo đạo và được phản chiếu lại chính tự thân để tìm ra con đường giác ngộ, giải thoát.

Chùa được xây dựng, là nơi dạy Pháp, giảng Pháp, thực hành Pháp?

- Chùa là nơi tu hành và hàng nghìn năm qua vẫn vậy. Việc giảng pháp, hay giảng dạy là quá trình phát triển của Phật giáo, có sự tương thích, thích ứng từng môi trường con người và xã hội, môi sinh nhất định. Do đó, mỗi thời chùa chiền có những đặc trưng riêng, chùa ngày nay càng hiện nhiều vấn đề của xã hội hiện nay hơn, vẫn là nơi tăng, hoặc ni ở để tu hành, nhưng Phật tử cũng có không gian để vào hành, tọa thiền và cũng có những sinh hoạt, khóa tu ngắn hạn.

Giảng dạy Phật Pháp đến cư sĩ, cũng là trách nhiệm của các bậc tu sĩ?

- Trách nhiệm thì khó nói. Mỗi người tùy cơ duyên mà đạt những bước tu hành khác nhau và có sự lan tỏa các giá trị đó hay không. Có người chọn ẩn tu, có người chọn nhân gian Phật giáo, nhập thế. Họ ẩn tu, nhưng vẫn có tiếng vang để ảnh hưởng tốt đến xã hội. Họ nhập thế cũng vậy! Tu, là của cá nhân từng người và tùy duyên giác ngộ, từ tăng, ni cho đến tín đồ Phật tử cũng vậy.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

“Việt Nam đang được xem là mô hình kiểu mẫu để các thành viên từ các quốc gia có thể tham khảo về sự tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc này. Đây là mô hình trong đó có sự đồng hành của Chính phủ, các ban ngành rất mạnh mẽ, tích cực ủng hộ. Tôi tin rằng sự đồng hành đó sẽ giúp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Vesak thành công viên mãn…
Nhân Đại lễ Phật Đản Liên hợp quốc năm 2025, tôi mong muốn mời các cộng đồng Phật giáo trên toàn thế giới đến Việt Nam, ủng hộ Việt Nam, tham khảo Việt Nam về cách tổ chức thành công các Đại lễ Vesak cũng như sự phát triển của Phật giáo Việt Nam”.
Hoà thượng GS.TS Phra Brahmapundit là Viện trưởng Viện Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế các Viện Đại học Phật giáo, và là Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc

Việt Quỳnh