Người chưa thành niên vi phạm pháp luật: Nên được xử lý chuyển hướng thay vì đưa ra xét xử
Ngày 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Các đại biểu cơ bản đánh giá cao chất lượng dự án Luật, tuy nhiên đề nghị làm rõ thêm các điều, khoản cụ thể nhằm bảo đảm yêu cầu tiến bộ, nhân văn, nhân đạo, thân thiện trong giải quyết các vụ án liên quan đến NCTN phạm tội.
Tại phiên họp, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đã báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Theo đó, về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 52), bà Nga cho biết, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Điều 96 của Bộ luật Hình sự thành biện pháp xử lý chuyển hướng. Có ý kiến đề nghị cân nhắc biện pháp này vì đưa vào Trường giáo dưỡng cũng là tước một phần tự do của NCTN.
Về vấn đề trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm: Trước năm 2015, Bộ luật Hình sự quy định 2 biện pháp tư pháp áp dụng với NCTN (gồm: biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng). Vì là biện pháp tư pháp, cho nên 2 biện pháp này chỉ được áp dụng sau khi Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử và ra bản án. Khi đó NCTN có thể đã bị áp dụng tạm giam ở cả 3 giai đoạn (điều tra, truy tố, xét xử) và thời gian tạm giam có thể lên tới gần 9 tháng đối với tội nghiêm trọng và gần 12 tháng đối với tội rất nghiêm trọng.
Khi sửa Bộ luật Hình sự vào năm 2015, Quốc hội đã quyết định chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thành biện pháp giám sát, giáo dục (về bản chất là biện pháp xử lý chuyển hướng như dự thảo Luật); và nay dự thảo Luật Tư pháp NCTN tiếp tục đề xuất chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng. Các lần đề xuất này đều nhằm mục đích “vì lợi ích tốt nhất của NCTN” nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho cộng đồng và cho người bị hại bởi vì Trường giáo dưỡng là môi trường giáo dục có kỷ luật chặt chẽ do Bộ Công an trực tiếp quản lý. Khi đó, NCTN sẽ được áp dụng biện pháp đưa vào Trường giáo dưỡng ngay từ giai đoạn điều tra và sớm kết thúc quá trình tố tụng; thời hạn tạm giam NCTN sẽ được rút ngắn đáng kể; hạn chế tối đa gián đoạn quyền học tập, học nghề của NCTN.
Đáp ứng yêu cầu tại Điều 40 của Công ước quốc tế về quyền trẻ em “bất kỳ khi nào thấy thích hợp và cần thiết, cần đề ra các biện pháp xử lý trẻ em vi phạm pháp luật hình sự mà không phải sử dụng đến thủ tục tư pháp”; “Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật về giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng, đồng thời đã phối hợp rà soát kỹ lưỡng từng trường hợp được áp dụng biện pháp này để bảo đảm chặt chẽ (tại Điều 52)” - bà Nga cho hay.
Theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp), dự thảo Luật quy định biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng (Điều 52), điều này phù hợp với thực tiễn nước ta hiện nay. Theo đó, khi vi phạm NCTN có thể đã bị áp dụng tạm giam ở cả 3 giai đoạn, và thời gian tạm giam có thể lên tới gần 9 tháng đối với tội nghiêm trọng và gần 12 tháng đối với tội rất nghiêm trọng. Nếu trong phạm vi áp dụng nên được chuyển hướng, thay vì đưa ra xét xử sẽ đảm bảo quyền được giáo dục, học hành cho NCTN.
Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 53), ông Hòa cho rằng, việc giao cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng như dự thảo Luật sẽ bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời, giúp NCTN có đủ điều kiện sẽ sớm được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thay vì quy định cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát phải lập hồ sơ đề nghị Tòa án áp dụng, vừa kéo dài thời hạn, vừa phát sinh thủ tục tố tụng.
Cũng theo ông Hòa, cơ quan công an, viện kiểm sát phát hiện các em, các cháu vi phạm mà ngay từ đầu đề xuất xử lý chuyển hướng là phù hợp. Nếu để Toà án xử lý chuyển hướng trong thời gian này, NCTN bị giam giữ hay tại ngoại cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn. Do vậy, việc giao cơ quan điều tra công an, viện kiểm sát là phù hợp với quy trình, thủ tục rất tốt.
ĐB đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) cho biết, tại Điều 40 dự thảo Luật quy định NCTN thừa nhận mình đã thực hiện hành vi phạm tội và đồng ý bằng văn bản về việc xử lý chuyển hướng. Mặc dù NCTN có thể phụ thuộc vào lời khuyên của cha mẹ hay người giám hộ, người đại diện hợp pháp nhưng quyết định cuối cùng nhận tội hay không nhận tội vẫn phải phụ thuộc vào chính NCTN.
Bên cạnh đó, theo ông Hoàn, NCTN chưa được coi là có đủ quyền tự chủ quyết định, kể cả trong việc hút thuốc lá, uống rượu bia hay không có quyền quyết định bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử, trong khi họ lại bị áp lực quyết định thừa nhận hành vi phạm tội mà chưa thực sự đủ nhận thức để biết thế nào là hành vi phạm tội. Điều này phù hợp với cách tiếp cận NCTN là người chưa có đầy đủ năng lực về hành vi dân sự.
“Cần bổ sung những quy trình, thủ tục để bảo đảm các quyết định thừa nhận hành vi phạm tội được NCTN đưa ra một cách tự nguyện, rõ ràng, không bị ép buộc như được trợ giúp pháp lý, được gặp luật sư để bào chữa trước khi NCTN nhận tội. Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng cũng cần có sự đồng ý của NCTN là chưa hợp lý, do đó đề nghị cân nhắc bỏ quy định này. Bên cạnh đó, cần làm rõ biện pháp thay đổi xử lý chuyển hướng có cần sự đồng ý của NCTN hay không” - ông Hoàn nói.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH Hải Dương) cho rằng, tại Khoản 1 Điều 153 dự thảo Luật quy định “việc xem xét dấu vết trên thân thể của người chưa thành niên là bị hại phải có sự tham gia của người đại diện của họ”. Bà Nga đánh giá, điều này là rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi của người bị hại là NCTN. Đồng thời, nên cân nhắc xem xét quy định thêm về sự đồng ý của chính NCTN là người bị hại nếu người đó ở độ tuổi đã có những nhận thức nhất định, có thể từ 13 tuổi trở lên đối với việc xem xét dấu vết trên thân thể, đặc biệt đối với những khu vực, bộ phận nhạy cảm, riêng tư. Điều này thể hiện sự tôn trọng cũng như tránh gây những ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đối với người bị hại là NCTN.
ĐB Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn ĐBQH Cần Thơ) cho rằng, dự thảo Luật thể hiện đầy đủ chủ trương của Đảng, bản chất nhân đạo của nhà nước đối với việc đảm bảo quyền và lợi ích của NCTN. Đối với Điều 37 về biện pháp xử lý chuyển hướng, bà Ánh đề nghị bỏ biện pháp “khiển trách” tại khoản 1, bởi rất khó áp dụng trên thực tế. Nếu thực hiện cần quy định cụ thể về thành phần dự, thẩm quyền, hình thức tổ chức thực hiện. Tại khoản 8 đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định các trường hợp ngoại lệ đối với trường hợp gia đình của người bị cấm đến các địa điểm có nguy cơ dẫn đến NCTN phạm tội mới. Như trong trường hợp phải thay đổi nơi cư trú đến gần các khu vực theo quy định của biện pháp xử lý chuyển hướng nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế, và bảo đảm tính hiệu lực của Luật.
Liên quan đến Điều 42 về xin lỗi bị hại, bà Ánh đề nghị, cần bổ sung cụm từ “và chính quyền địa phương nơi NCTN phạm tội cư trú và nơi người bị hại cư trú” vào sau cụm từ “người đại diện của NCTN phạm tội”, vì việc xin lỗi rất cần có sự chứng kiến của chính quyền 2 địa phương. Đây là quy định nhằm đảm bảo thực hiện quản lý hành chính của địa phương đối với NCTN nếu có tái phạm.
Cùng ngày, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Báo cáo trước Quốc hội, ông Duy cho biết, theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia với các nội dung chủ yếu bao gồm: Điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: nhóm đất nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất quốc phòng, đất an ninh); Không trình Quốc hội phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Theo ông Duy, việc tính toán, xác định 8 chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia điều chỉnh lần này cần phải tiến hành rà soát kỹ lưỡng, cân đối các chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và các địa phương. Trong đó, ưu tiên bổ trí quỹ đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, giữ ổn định quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quản lý chặt chẽ đất rừng, duy trì độ che phủ rừng để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Thẩm tra vấn đề trên, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội bày tỏ, việc Chính phủ đề xuất điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là phù hợp với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023 của Quốc hội. “Do vậy tán thành với sự cần thiết điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia” - ông Thanh nói.