Sớm tăng phụ cấp cho bác sĩ
Bộ Y tế mới đây đã đề xuất tăng tiền phụ cấp mổ, trực, ăn cho nhân viên y tế gấp 2 - 3 lần so với quy định, nhằm đảm bảo thu nhập. Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, mức phụ cấp cho nhân viên y tế hiện nay đã thực hiện hơn 10 năm, không còn phù hợp.
Hiện các mức phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và mức hỗ trợ tiền ăn đối với các đối tượng nhân viên y tế được áp dụng tại Quyết định số 73 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ. Thời điểm áp dụng theo quyết định số 73, mức lương cơ sở là 830.000 đồng, sau 13 năm, lương cơ sở tăng lên 2.340.000 đồng (tăng 182%), song chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; tiền trực; tiền ăn của nhân viên y tế chưa có sự điều chỉnh tương ứng.
Cùng với đó, thời gian qua cử tri các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn liên tục kiến nghị tăng phụ cấp trực cho y bác sĩ. Kiến nghị được cử tri các tỉnh/thành đưa ra khi phản ánh các vấn đề liên quan lĩnh vực y tế sau kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Theo đó, cử tri tỉnh Hà Giang phản ánh hiện chế độ phụ cấp trực hiện nay thấp, không đảm bảo được cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ của nhân viên y tế. Cụ thể, tiền trực ngày thường của nhân viên trạm y tế xã hiện là 18.750 đồng/đêm, ngày cuối tuần là 32.500 đồng/ngày, còn tiền ăn là 15.000 đồng/đêm. Vì vậy, các cử tri kiến nghị Bộ Y tế nâng phụ cấp tiền trực, tiền ăn ngày thường lên 100.000 đồng/đêm; ngày cuối tuần lên 150.000 đồng/đêm. Ngày nghỉ lễ tăng từ 45.000 đồng lên 200.000 đồng/đêm. Hỗ trợ tiền ăn ngày cuối tuần và nghỉ lễ từ 15.000 đồng lên 150.000 đồng/ngày.
Trong khi đó, tại Hà Nội, tiền ăn ca của một bác sĩ trực từ sáng hôm trước đến sáng hôm sau, không thể đủ mua 1 bát phở. Nếu tính trung bình, mỗi tháng một bác sĩ tham gia trực khoảng 5 - 7 ngày, nhận số tiền phụ cấp trực đêm chưa đến 1 triệu đồng. Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ, hơn 10 năm qua, có 8 lần lương cơ sở được điều chỉnh, mức sống nhiều biến đổi, tình trạng trượt giá xảy ra thường xuyên, song mức phụ cấp cho nhân viên y tế vẫn giữ nguyên là thiệt thòi cho các y bác sĩ.
Có một thực tế là sau nhiều năm công tác ở bệnh viện công, nhiều bác sĩ đã đánh liều vay tiền để mở phòng khám, phòng mạch tư nhân; y bác sĩ cho thuê bằng để mở bệnh viện tư, trung tâm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp... âu cũng vì mức lương quá thấp so với công sức lao động đã bỏ ra. Không ít bác sĩ chia sẻ thật lòng, họ bám trụ lại bệnh viện công chỉ cốt lấy cái danh để thăm khám bên ngoài thêm uy tín. Xác định việc mở phòng khám không đơn giản, có thể đối mặt với việc lỗ vốn, không có khách, hay bệnh nhân gặp vấn đề khi đến khám, thậm chí phải đóng cửa... nhưng có những bác sĩ vẫn quyết định “đánh cược” vì còn phải nuôi gia đình.
Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ riêng từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, cả nước có gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó nhiều nhất là ở TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng. Một trong những nguyên nhân chính khiến họ nghỉ việc là do áp lực kinh tế, thu nhập thấp và mong muốn tìm kiếm một môi trường làm việc tốt hơn.
Điều này đáng phải suy ngẫm khi giờ đây, việc đào tạo ngành y không còn nghiêm ngặt như ngày xưa. Trước đây, vất vả lắm mới thi được vào các trường đại học đào tạo y khoa danh tiếng. Còn bây giờ hàng chục trường đào tạo y, thậm chí không có chuyên môn cũng đào tạo ngành y. Sự nhập nhằng trong đào tạo ngành y khiến những bác sĩ được đào tạo bài bản, chuyên môn cũng đứng ngang hàng với các bác sĩ được đào tạo ở những trường không chuyên. Cộng với mức đãi ngộ chưa thỏa đáng trong điều kiện sống đã thay đổi hơn một thập kỷ.
Việc đánh giá công sức lao động của các thầy thuốc phải được quan tâm kịp thời, thiết thực, để họ chuyên tâm chữa bệnh cứu người.