Du lịch

Nông dân Việt Hải (Hải Phòng) ‘đổi đời’ nhờ du lịch

Phương Thanh 24/10/2024 13:45

Bà con Việt Hải (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) vốn quen với việc đồng áng nay đã trở thành hướng dẫn viên du lịch với mức thu nhập bình quân ước tính gần 90 triệu đồng/người/năm nhờ mô hình Câu lạc bộ “Nông dân làm du lịch".

Sức hút từ “đảo của đảo”

Cách thị trấn Cát Bà khoảng 45 phút đi tàu, xã Việt Hải nằm biệt lập và được dân du lịch gọi tên là “đảo của đảo”. Nằm sâu trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Bà và Di sản thiên nhiên thế giới Quần đảo Cát Bà - Vịnh Hạ Long, Việt Hải là nơi lưu giữ những nguồn gen quý hiếm có trong sách đỏ thế giới mà đặc trưng là loài vọoc Cát Bà và cây kim giao.

Với diện tích tự nhiên khoảng 6.485 ha, xã đảo hiện lên như một bức tranh sơn thủy hữu tình bởi sở hữu hệ sinh thái phong phú bao gồm thung lũng, núi rừng hùng vĩ và suối chảy róc rách quanh năm. Nhờ vào lợi thế hiếm có này, những năm gần đây, xã đảo đang trở thành điểm đến thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

16.jpg
Khung cảnh yên bình của làng quê Việt Hải.

Theo bà Nguyễn Ngọc Hà, Chủ tịch Hội nông dân xã Việt Hải, khoảng 15 năm trở về trước, người dân xã Việt Hải chủ yếu làm ruộng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cuộc sống vô cùng khó khăn. Ngày nay, cùng với thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới, du lịch đã có điểm tựa để phát triển.

Nếu như năm 2015 trên địa bàn cũng chỉ có 1 cơ sở lưu trú (homestay), lượng khách du lịch đến Việt Hải chỉ đạt khoảng hơn 9.000 lượt khách, thì đến nay, lượng khách du lịch đến Việt Hải đã tăng gần 10 lần. Từ năm 2019, thu nhập từ ngành du lịch chiếm khoảng 70 - 80% tổng thu nhập toàn xã.

15.jpg
Xã đảo Việt Hải hiện lên như một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Lượng khách du lịch đến Việt Hải ngày một đông, nhưng lâu nay, xã vẫn chỉ có khoảng 87 hộ, với chưa đầy 300 nhân khẩu. Theo bà Nguyễn Ngọc Hà, nhận thấy người dân còn thụ động trước các hoạt động của du khách, năm 2023, Hội Nông dân xã Việt Hải đã mắt mô hình Câu lạc bộ “Nông dân làm du lịch”.

11.jpg
Hội Nông dân xã Việt Hải đã mắt mô hình Câu lạc bộ “Nông dân làm du lịch”.

Câu lạc bộ giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện địa lý, thời tiết nơi đảo xa đồng thời xây dựng điểm những mô hình trải nghiệm trồng lúa; trồng sen và cày cấy truyền thống cho khách nước ngoài trải nghiệm.... Tại Việt Hải, điều mà khách du lịch thích nhất đó là toàn bộ giá dịch vụ được niêm yết, không có hiện tượng chèo kéo.

vh2(1).jpg
Mô hình chăn nuôi lợn rừng của anh Trần Văn Vịnh để phục vụ khách du lịch.

Anh Trần Văn Vịnh, quản lý cơ sở du lịch “Làng sinh thái Việt Hải” lớn nhất xã đảo chia sẻ: “Tận dụng lợi thế của vùng di sản, cơ sở đang hướng đến phát triển du lịch sinh thái với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn gần gũi như: Chăn nuôi, xay thóc, giã gạo, trồng mía, cấy lúa... Những hoạt động vốn dĩ quen thuộc của làng quê Việt Nam xưa đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch”.

Bà Vũ Thị Hồng Gấm, Tổ trưởng một tổ hợp tác trồng rau hữu cơ cho biết: “Chúng tôi vừa là nông dân, vừa là hướng dẫn viên du lịch giúp du khách trải nghiệm cánh đồng rau sạch. Nhờ được chính quyền và các công ty lữ hành hỗ trợ thiết bị, dụng cụ và phân bón nên hiệu quả kinh tế vượt trội so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần trước kia”.

vh3.jpg
Cơ sở du lịch “Làng sinh thái Việt Hải” hướng đến phát triển du lịch sinh thái với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn gần gũi.

Năm 2023, thu nhập bình quân của các hộ gia đình tham gia mô hình đạt khoảng 25 - 35 triệu đồng/tháng. Năm 2024, dự kiến, xã đảo sẽ đón 100.000 lượt khách, thu nhập bình quân đầu người có thể chạm ngưỡng 90 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, các hộ kinh doanh du lịch còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động của địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5-8 triệu đồng/tháng. Đến nay, địa phương không có hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều hộ dân ở xã đảo Việt Hải đã thực sự "đổi đời".

Tìm cách tăng khách lưu trú

Chia sẻ với PV, ông Vũ Phi Hùng, Chủ tịch UBND xã Việt Hải thẳng thắn cho biết: Bên cạnh những thành công bước đầu, các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở Việt Hải hiện tại còn khá nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu là do các hộ dân tự làm, chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

13.jpg
Mô hình cá massage chân cho du khách tại xã Việt Hải.

Do xã Việt Hải chưa được công nhận là điểm du lịch, nên địa phương không được phép bán vé thăm quan cho du khách theo quy định. Bên cạnh đó, việc thiếu các điểm vui chơi, giải trí cũng khiến thời gian lưu trú và mức chi tiêu của khách du lịch rất hạn chế. Nguồn thu chủ yếu từ các cơ sở du lịch chủ yếu là tiền thuê xe điện và bán nước giải khát. Trong đó, vé xe điện 2 chiều từ cầu cảng vào cơ sở chỉ có 30.000 đồng.

vh6.jpg
Tại Việt Hải, hai phương tiện phổ biến nhất cho khách du lịch đi thăm thú cảnh quan là xe đạp và xe điện.

Thêm vào đó, do nằm trong khu vực vùng lõi Vườn quốc gia Cát Bà và Di sản thiên nhiên thế giới Quần đảo Cát Bà - Vịnh Hạ Long, việc xây mới hay sửa chữa cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các công trình dành cho khách du lịch lưu trú hầu như không thể thực hiện.

“Khó khăn trong việc nâng cấp, mở rộng các điểm vui chơi, lưu trú khiến cho Việt Hải chậm “thay áo mới”. Do đó, việc "níu chân" du khách nghỉ dưỡng qua đêm cũng chưa thực sự suôn sẻ”, anh Trần Văn Vịnh chia sẻ.

Một hộ kinh trong trong Câu lạc bộ đã đầu tư xây dựng Homestay, phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách.
Một hộ kinh trong trong Câu lạc bộ đã đầu tư xây dựng Homestay, phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách.

Theo ông Vũ Phi Hùng, Chủ tịch UBND xã Việt Hải, tỉ lệ khách lưu trú hiện vẫn ở mức thấp so với lượng khách đến tham quan, trải nghiệm. Hiện cả xã mới có 4 homestay với 60 phòng. Vì thế, mặc dù năm 2024, địa phương dự kiến đón 100.000 lượt khách, nhưng chỉ có khoảng 2.000 du khách lưu trú (khoảng 2%).

Ông Vũ Phi Hùng mong muốn các cấp, ngành, đặc biệt là Hội Nông dân thành phố quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, trang bị kiến thức về làm du lịch, tập huấn văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho câu lạc bộ để giúp người nông dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn, tự tin hơn trong kinh doanh du lịch.

Phương Thanh