Giao thông

Xe ghép, xe tiện chuyến lộng hành?

Lê Khánh 24/10/2024 15:05

Xe ghép, xe tiện chuyến là loại hình sử dụng xe cá nhân, kinh doanh vận chuyển hành khách liên tỉnh, thu giá cước tự phát, không nộp thuế và không có bảo hiểm cho khách hàng. Vì vậy, kéo theo nhiều hệ lụy vô cùng phức tạp nếu xảy ra sự cố.

Xe ghép, xe tiện chuyến nở rộ trên không gian mạng

Xe ghép, xe tiện chuyến là loại hình sử dụng xe cá nhân, kinh doanh vận chuyển hành khách liên tỉnh, vài năm qua, loại hình này nở rộ cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội.

Để bắt xe người dân chỉ cần lên facebook, zalo… tìm kiếm, sẽ luôn có những chuyến xe biển trắng sẵn sàng đưa đón. Thậm chí nhiều nhà xe còn mua sắm hàng loạt phương tiện, lập kênh quảng bá, tổng đài điện thoại để tiếp nhận đặt chỗ, thu tiền, vận chuyển khách.

Chỉ cần lên mạng, mất vài giây thao tác với từ khóa "tìm xe ghép, tiện chuyến" kèm theo địa điểm muốn đến, sẽ thấy hàng loạt hội nhóm xuất hiện với lượng thành viên lên đến vài chục ngàn người, cùng với đó là những quảng cáo mời chào. Loại hình dịch vụ này đang hoạt động công khai.

2d2f0db0-ad2d-4d7b-ada1-daa710525bc8.jpeg
Hình ảnh các bài đăng trên mạng xã hội của loại hình xe ghép, xe tiện chuyến rầm rộ trên mạng.

Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương cho hay, xe ghép, xe tiện chuyến thực chất là kinh doanh tự phát. Điều đáng nói các chủ xe có hiểu biết về pháp luật, biết các lỗ hổng để lách luật, cố tình kinh doanh "chui", không đăng ký, không nộp thuế, không có các giao kết trách nhiệm với khách hàng.

"Đó là hành vi tư lợi, gây hại cho nền kinh tế - xã hội, cho các doanh nghiệp và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân", Thạc sĩ Quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương phân tích.

Tương tự, Thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, bản chất hoạt động kinh doanh tự phát của chủ xe ghép, xe tiện chuyến là “sự cố ý”, coi thường pháp luật. Loại hình này ngày càng nở rộ sẽ khiến thị trường vận tải sụp đổ, các doanh nghiệp sẽ bỏ hết hoạt động kinh doanh hợp pháp, phải đóng thuế, phải tuân thủ các điều kiện ngặt nghèo để chuyển sang làm “chui”, vừa không phải đóng thuế, vừa không bị kiểm soát.

"Chúng ta phải nhìn nhận rõ, xe ghép, xe tiện chuyến là nguy cơ cho lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và mang đến nhiều rủi ro cho người dân", ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Vị chuyên gia này lấy ví dụ, xe khách có đăng ký kinh doanh buộc phải lắp biển số màu vàng, có thiết bị giám sát hành trình để cơ quan chức năng theo dõi, nhưng xe ghép thì không. Nếu hành khách chẳng may lên một chuyến xe ghép nhưng gặp rủi ro, mất tích, hoặc tai nạn, sẽ rất khó để tìm ra. Hơn nữa, chủ xe ghép cũng có thể chối bỏ mọi trách nhiệm với hành khách khi có rủi ro mà chẳng có cơ sở, căn cứ nào để truy cứu.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng chia sẻ: "Xe ghép, xe tiện chuyến đang gia tăng mạnh mẽ về số lượng. Mỗi tỉnh thành hiện có đến hàng nghìn chiếc, di chuyển liên tục đưa đón khách đến Hà Nội. Trong khi đó kinh doanh vận tải theo tuyến cố định, xe hợp đồng, taxi… đang ngày càng khó khăn hơn".

Cần quy định rõ ràng để dễ dàng kiểm soát

Xe ghép, xe tiện chuyến đã nở rộ nhiều năm nay, trong khi chưa tìm ra được giải pháp để quản lý, Bộ GTVT lại như "mở đường" cho loại hình xe "dù" này phát triển hơn.

Cụ thể: tại khoản 10 Điều 56, Luật Đường bộ, chỉ bắt buộc xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản. Như vậy, những xe hợp đồng dưới 9 chỗ đã có hẳn một lối đi thênh thang để bước qua luật, kinh doanh tùy theo ý thích..

Nguyên Trưởng phòng Điều độ, HTX Vận tải Tín Lợi Vương Văn Kha chia sẻ: "Bản chất xe ghép, xe tiện chuyến là xe hợp đồng, nhưng lại cho phép nó gom khách lẻ, không cần hợp đồng tức là đặt ra ngoài vòng kiểm soát. Loại hình xe này nhất thiết phải đăng ký kinh doanh, chấp hành các quy định của pháp luật như xe hợp đồng, kê khai doanh thu và nộp thuế mới đúng quy định của pháp luật".

img_4217.jpg
Hình ảnh xe hợp đồng ngang nhiên dừng đón khách trên đường Thọ Tháp (Cầu Giấy).

Ông Kha cũng lưu ý, hiện nay phần lớn xe ghép, xe tiện chuyến đăng ký ở tỉnh khác, đưa đón khách về Hà Nội hàng ngày. Chúng vừa tạo thêm áp lực giao thông rất lớn, vừa chèn ép doanh nghiệp của Hà Nội, nhưng lại không có đóng góp gì cho ngân sách.

"Rồi dần dần các văn phòng xe ghép mọc lên khắp nơi, TP còn chịu nhiều hệ lụy hơn nữa mà không thể làm gì để ngăn chặn. Đó là sự bất công với Hà Nội", ông Kha nói.

"Xe ghép, xe tiện chuyến sử dụng chủ yếu là kênh thông tin mạng xã hội để gom khách, nhận đặt chỗ. Trước hết nên siết chặt quản lý trên các kênh này, kiểm tra, truy xét tận nơi, xử phạt nặng những ứng dụng trực tuyến, trang mạng, số điện thoại tổng đài nhận đặt chỗ, gom khách cho xe không đăng ký kinh doanh.

Như vậy sẽ hạn chế được phần nào hoạt động kinh doanh "chui" của xe ghép, xe tiện chuyến. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cần có những quy định, chế tài cụ thể hơn nữa để xử phạt hoạt động gom khách của xe ghép, xe tiện chuyến như kinh doanh trực tuyến không xin phép", Thạc sĩ Xã hội học Nguyễn Anh Tuấn cho hay.

Lê Khánh