TP HCM: 'Nở rộ' App lừa đảo ngân hàng để rút tiền của nhiều nạn nhân
Đây là vấn đề được Công an TP HCM đề cập tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM vào chiều 24/10, do Sở Thông tin Truyền thông và Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp tổ chức.
Tại buổi họp báo, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó Trưởng phòng Tham mưu (Công an TP HCM) cho biết, thời gian gần đây tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao có xu hướng gia tăng và phát sinh một số diễn biến phức tạp.
Qua công tác nghiệp vụ, Công an TP HCM đã ghi nhận một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan lĩnh vực tài chính, ngân hàng thường sử dụng.
Trong đó, các đối tượng tạo lập các trang web, ứng dụng, trang mạng xã hội mạo danh tổ chức ngân hàng và các tổ chức tài chính, đơn vị trung gian thanh toán. Sau đó, tiếp cận nạn nhân bằng nhiều hình thức và thực hiện kịch bản lừa đảo.
Nội dung kịch bản lừa đảo liên tục thay đổi để đối phó với việc cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền cảnh báo người dân.
Mới đây nhất, Thượng tá Nguyễn Thăng Long cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Phòng PC02, Công an TP HCM) đã phát hiện và bắt giữ một đối tượng lừa đảo có sử dụng hình ảnh giả mạo hóa đơn (bill) chuyển tiền (fake bill).
Mở rộng điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ các đối tượng đã bán hình ảnh giả mạo bill chuyển tiền. Phòng PC02 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố các đối tượng liên quan về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra, truy xét tất cả các đối tượng có liên quan xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo đại diện Công an TP HCM, đối với thủ đoạn tạo hình ảnh giả mạo bill, là phương thức các đối tượng thường sử dụng kèm kịch bản mạo danh pháp nhân, cá nhân liên hệ doanh nghiệp, hộ kinh doanh để đặt mua hàng hóa. Sau đó, sử dụng hình ảnh giả mạo bill chuyển tiền thành công với số tiền lớn hơn số tiền mua hàng thực tế và đưa ra nhiều lý do để lý giải cho việc đã chuyển khoản nhưng nạn nhận chưa nhận được tiền vào tài khoản (nghẽn mạng, ngân hàng đang xử lý…).
Cuối cùng, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân bằng việc chiếm đoạt số hàng đã mua hoặc thông báo việc chuyển dư tiền để nhờ nạn nhân mua giúp các loại hàng hóa ở các doanh nghiệp khác, kèm số điện thoại liên hệ (nhưng thực chất là do các đối tượng đóng giả).
Công an TP HCM khuyến cáo người dân thường xuyên nâng cao nhận thức về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến thông qua nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội chính thống của cơ quan Nhà nước...
Nhất là, cần chú ý bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trong quá trình tham gia các hoạt động trên môi trường mạng; tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn website không rõ nguồn gốc. Đồng thời, chỉ cài đặt các ứng dụng trực tuyến từ các nguồn chính thức của hệ điều hành điện thoại (Appstore của IOS hay CH Play của Android).