Mặt trận

Tháo gỡ khó khăn trong triển khai chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất

Minh Châu 24/10/2024 16:32

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt nhằm tạo điều kiện để đồng bào ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

image00120241021184004.jpg
Nhiều hộ gia đình ở huyện miền núi Đakrông đang gặp khó khăn về đất ở và đất sản xuất. Ảnh: Hữu Tiến

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, Quảng Trị đã tập trung ngân sách bố trí 1.531 tỷ đồng để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đảm bảo sinh kế bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bên cạnh đó, ưu tiên phân bổ trên 217 tỷ đồng để xây mới trên 3.000 nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong năm 2023, Quảng Trị đã phân bổ 37 tỷ đồng và năm 2024 là 14,2 tỷ đồng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Dự án 1. Từ nguồn ngân sách được cấp, trong năm 2023, tại hai huyện Đakrông và Hướng Hóa đã có trên 500 hộ đồng bào DTTS được hưởng chính sách cấp đất sản xuất, trên 300 hộ được hỗ trợ cấp đất ở.

Vì vậy, theo báo cáo của UBND huyện Đakrông, cho đến thời điểm hiện tại, các chương trình như hỗ trợ về nhà ở, xây các công trình nước sinh hoạt đạt được mục tiêu đề ra. Riêng hai chương trình như hỗ trợ đất ở chỉ mới thực hiện được 65 hộ và dự kiến thực hiện thêm khoảng 61 hộ. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện các nội dung trên đang gặp khó khăn. Nguyên nhân do địa phương không còn quỹ đất trống để thực hiện san tạo mặt bằng hoặc khai hoang, phục hóa để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ dân thụ hưởng chính sách. Thời gian qua, hình thức huyện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân chủ yếu là nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Mặt khác, trong quá trình thực hiện hình thức thực nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lại nảy sinh ra nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như, một số trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai lệch thông tin về tên, tuổi, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước thông tin cần thực hiện thủ tục đính chính, chỉnh lý mất nhiều thời gian. Người sử dụng đất có tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã mất nhưng chưa thực hiện thủ tục thừa kế nên không thực hiện được thủ tục chuyển nhượng cho đối tượng thụ hưởng; vấn đề sai lệch hiện trạng giữa thực địa và bản đồ địa chính….

Theo ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông, trước thực trạng khó khăn nói trên, UBND huyện đã có văn bản đề xuất với UBND tỉnh Quảng Trị điều chỉnh vốn dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, bằng việc chuyển 11,562 tỷ vốn còn lại của hai chương trình sang hỗ trợ nhà ở và đầu tư các công trình phục vụ nước sinh hoạt cho đối tượng hưởng lợi trên địa bàn.

Còn tại huyện Hướng Hóa, theo thống kê của UBND huyện về thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất theo Dự án 1, toàn huyện có 514 hộ thiếu đất ở, số hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 3.453 hộ, số hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 2.617 hộ. Về đất sản xuất, có 371 hộ thiếu đất sản xuất, số hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất 4.182 hộ, số hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất là 2.780 hộ. Về kết quả thực hiện, giai đoạn 2022 – 2024 đã hỗ trợ nhà ở cho 662 hộ, 153 hộ được hỗ trợ đất ở, 253 hộ được hỗ trợ đất sản xuất.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án 1, các địa phương trong tỉnh Quảng Trị cần tiếp tục rà soát, có danh sách cụ thể đối với các hộ thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất. Đối với quỹ đất bàn giao về địa phương quản lý, có kế hoạch tiếp nhận, xây dựng phương án sử dụng cụ thể, hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, gắn liền việc giao đất với tạo sinh kế bền vững để xóa nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Minh Châu