Quốc tế

Thách thức xóa sổ bệnh bại liệt ở Pakistan

Hà Anh 25/10/2024 09:44

Bệnh bại liệt một lần nữa lại lây lan ở Pakistan khi các quan chức cho biết, hơn 1 triệu trẻ em đã bỏ lỡ mũi tiêm vaccine vào tháng trước, nhấn mạnh những thách thức mà nước này phải đối mặt trong việc xóa sổ một trong những căn bệnh khó chữa nhất.

Anh bai trem
Một đứa trẻ được uống vaccine bại liệt trong chiến dịch tiêm chủng ở Karachi, Pakistan. Nguồn: Getty Images.

Gia tăng đột biến ca nhiễm bệnh

Các quan chức Pakistan đã báo cáo hơn một chục ca bại liệt mới vào tháng 10, nâng tổng số ca nhiễm trong năm nay lên 39, so với chỉ 6 ca vào năm ngoái khi quốc gia Nam Á này dường như sắp xóa sổ loại virus này.

Bà Ayesha Raza - người đại diện cho Thủ tướng Pakistan phụ trách chương trình Xóa sổ bệnh bại liệt – cho biết, sự gia tăng gần đây về các ca bệnh là do tỷ lệ tiêm vaccine thấp. Khoảng 1 triệu trẻ em đã bỏ lỡ mũi vaccine bại liệt vào tháng 9, làm trầm trọng thêm khoảng cách miễn dịch vốn đã tồn tại từ trước và ngày càng gia tăng kể từ khi Covid-19 xuất hiện gây gián đoạn các nỗ lực tiêm chủng.

Bại liệt là một căn bệnh do virus truyền nhiễm cao, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh tấn công hệ thần kinh và có thể gây ra tình trạng tê liệt, các vấn đề về hô hấp và thậm chí tử vong. Bệnh chủ yếu lây lan qua nước uống hoặc thực phẩm bị ô nhiễm và không có cách chữa trị. Tuy nhiên, nó có thể được ngăn ngừa bằng vaccine. Các trường hợp bại liệt trên toàn thế giới đã giảm hơn 99% kể từ những năm 1980 nhờ các chiến dịch tiêm chủng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Pakistan và nước láng giềng Afghanistan là hai quốc gia duy nhất mà bệnh bại liệt vẫn lưu hành, mặc dù tổ chức này gần đây cũng đã cảnh báo về sự tái phát của căn bệnh chết người này ở Gaza sau hơn một năm Israel ném bom vùng đất của người Palestine.

Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh gần đây ở Pakistan đều tập trung ở tỉnh Balochistan (phía Tây Nam Pakistan), giáp biên giới với Afghanistan, nơi các quan chức địa phương cho biết, các bậc phụ huynh không muốn tiêm vaccine cho con họ do thông tin sai lệch lan rộng và sự mất lòng tin vào các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Theo bà Raza, hầu hết những trẻ em bị nhiễm bệnh trong thời gian gần đây đều đã được tiêm một liều vaccine nhưng không tiêm đủ cả 4 liều bắt buộc. Các trường hợp được báo cáo cũng có khả năng tăng cao hơn nữa khi Pakistan tăng cường các nỗ lực giám sát của mình. "Chúng tôi đang nỗ lực rất nhiều để lấp đầy những khoảng trống đã bị bỏ sót trong quá khứ" - bà Raza nói.

Tác động từ nhiều yếu tố

Các chương trình tiêm chủng ở Pakistan - nơi sinh sống của hơn 240 triệu người - đã gặp khó khăn một phần do sự ngờ vực trong quá khứ đối với các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nước ngoài. Các chiến binh Hồi giáo và giáo sĩ theo đường lối cứng rắn thường đổ lỗi cho chương trình tiêm chủng là vỏ bọc của các điệp viên phương Tây cùng âm mưu “triệt sản trẻ em Hồi giáo”. Xu hướng do dự về vaccine nếu như trước kia chỉ giới hạn ở tầng lớp ít học trong xã hội thì hiện nay, ngay cả những gia đình có học thức cũng không muốn cho con mình dùng vaccine, đặc biệt là vaccine đường uống.

Niềm tin tôn giáo và việc thiếu nhận thức về mối nguy hiểm của bệnh bại liệt cũng đã cản trở các nỗ lực y tế công cộng. Các tổ chức phi chính phủ quốc tế và chính quyền Pakistan đã tích cực làm việc để xua tan tin đồn và tiêm vaccine cho trẻ em trong những năm gần đây, nhưng thông tin sai lệch vẫn tiếp tục lan truyền.

Sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh bại liệt ở Pakistan cũng xảy ra khi các cuộc tấn công bạo lực vào các phòng tiêm chủng gia tăng, nhắm vào cảnh sát và các quan chức an ninh. Các chiến binh đã nhắm mục tiêu vào các chiến dịch chống bệnh bại liệt ở Pakistan trong nhiều thập kỷ, một số người tuyên bố vaccine là âm mưu của phương Tây được sử dụng để triệt sản trẻ em.

Ông Aftab Kakar - đại diện của Trung tâm điều hành khẩn cấp tại Balochistan (tỉnh có diện tích lớn nhất Pakistan) - cho biết, các cuộc biểu tình, tình trạng mất an ninh và tẩy chay của cộng đồng đã làm gián đoạn các chiến dịch tiêm chủng, để lại một nhóm trẻ em bị bỏ lỡ vaccine và có thể bị lây nhiễm virus.

“Các nhân viên y tế đã đánh dấu vào ngón tay của những trẻ em đã được tiêm vaccine. Nhưng trong một số trường hợp, trẻ em đã bị đánh dấu nhầm trong khi chúng chưa được tiêm” - ông Kakar cho biết thêm.

Dù số ca mắc bệnh bại liệt tăng đột biến trong thời gian gần đây, nhưng các nhà chức trách Pakistan vẫn lạc quan rằng, họ có thể ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này. Quốc gia này đang phát động một chiến dịch tiêm vacicne bại liệt mới trên toàn quốc, sẽ diễn ra vào ngày 28/10, với mục tiêu tiêm chủng cho 45 triệu trẻ em dưới 5 tuổi.

Các chuyên gia cho rằng, trong suốt năm 2024, cơ quan chức năng Pakistan cần khẩn trương và rà soát kỹ lưỡng những người di cư và tất cả trẻ em chưa được tiêm chủng. “Chúng ta phải đảm bảo những đứa trẻ này được tiêm phòng để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và đảm bảo các hồ chứa, những trung tâm dân cư lớn không mắc bệnh bại liệt trong hơn 2 năm, nhằm ngăn chặn virus càng sớm càng tốt” - Tiến sĩ Hamid Jafari, Giám đốc về phòng ngừa bệnh bại liệt tại Khu vực Đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế thế giới – cho biết.

Giới chuyên gia cho rằng, các ca nhiễm bại liệt mới nổi ở Pakistan là do nhiều yếu tố. Tiến sĩ Hamid Jafari nhận định: “Pakistan và Afghanistan vẫn là môi trường rất phức tạp và đầy thách thức. Các nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro bao gồm sự dịch chuyển dân số lớn, tình trạng mất an ninh ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và chất lượng tiêm chủng ở các khu vực bị nhiễm bệnh, kết hợp với các cộng đồng có sự do dự đáng kể về vaccine và tỷ lệ tiêm chủng định kỳ thấp”.

Hà Anh