Tiếng dân

Băn khoăn vì nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm

HẠNH NGUYÊN 25/10/2024 09:48

Xã Kim Song Trường (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đã về đích nông thôn mới (NTM) nhiều năm qua nhưng đến nay người dân vẫn phải sử dụng nước sinh hoạt không đảm bảo.

Người dân thôn Kim Thịnh, xã Kim Song Trường đầu tư thêm hệ thống máy lọc nhưng nước qua máy lọc vẫn có màu vàng. Ảnh Hạnh Nguyên.
Người dân thôn Kim Thịnh, xã Kim Song Trường đầu tư thêm hệ thống máy lọc nhưng nước qua máy lọc vẫn có màu vàng. Ảnh: Hạnh Nguyên.

Hàng trăm hộ dân sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ môi trường Kim Lộc nhưng từ đầu năm đến nay nguồn nước đục, cặn, bốc mùi bất thường.

Người dân bất an

Theo người dân thôn Kim Thịnh, xã Kim Song Trường, từ tháng 2/2024 đến nay, nước sinh hoạt từ nhà máy nước tập trung cấp cho người dân trong thôn chuyển màu đục ngầu, nhiều cặn và có mùi tanh. Mở nước ra sử dụng nhưng thấy bất thường nên người dân không dám lấy nấu ăn mà phải lọc qua hệ thống máy móc hoặc chỉ dùng để giặt, rửa.

Bà Trần Thị Bình (SN 1960, thôn Kim Thịnh) cho biết, nguồn nước máy của cả xóm đều bị tình trạng nước đục, cặn nên nhà nào cũng phải mua máy lọc để lọc qua rồi mới dám sử dụng. Hoặc xây bể trữ nước mưa để phục vụ ăn uống hàng ngày chứ không lấy nước máy.

Theo bà Trần Thị Tứ (SN 1950, thôn Kim Thịnh), gia đình bà phải làm 3 bể để trữ nước mưa phục vụ ăn uống, còn nước máy để giặt quần áo nhưng áo trắng chuyển sang màu vàng hết nên không dám giặt nữa hoặc giặt qua rồi lấy nước mưa giặt lại.

Lo lắng nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe nên người dân trong thôn Kim Thịnh đầu tư thêm hệ thống lọc nước, thuốc khử khuẩn, rất tốn kém.

Để chứng thực những phản ánh của người dân trong thôn, anh Trần Huy Đăng (SN 1989, thôn Kim Thịnh) dẫn phóng viên tiếp cận một số điểm mở nước máy. Khi mở nước ra đựng vào chậu màu trắng, nước máy có màu vàng, cặn đặc quánh, bốc mùi tanh rất khó chịu. Vấn đề nguồn nước không đảm bảo đã được người dân thôn Kim Thịnh phản ánh đến nhân viên thu tiền nước sạch nhưng vị nhân viên này phản hồi là họ chỉ có trách nhiệm thu tiền chứ chất lượng nước họ không biết.

Nguồn nước máy từ nhà máy nước tập trung cung cấp cho người dân thôn Kim Thịnh, xã Kim Song Trường bị bẩn đục, nhiều cặn. Ảnh Hạnh Nguyên.
Nguồn nước máy từ nhà máy nước tập trung cung cấp cho người dân thôn Kim Thịnh, xã Kim Song Trường bị bẩn đục. Ảnh: Hạnh Nguyên

Công nghệ quá cũ

Nước máy của người dân thôn Kim Thịnh được cung cấp từ nhà máy nước sạch tập trung do HTX môi trường nước sạch xã Kim Lộc quản lý. Theo tìm hiểu của PV, nhà máy nước này xây dựng từ năm 2004, đưa vào sử dụng năm 2005, tính đến nay gần 20 năm. Có khoảng 780/2834 hộ dân ở xã Kim Song Trường sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước tập trung Kim Lộc, đạt tỷ lệ 28%. Tiền phí cung cấp nước cho người dân 5.000 đồng/m3.

Ông Đàm Văn Tố - Giám đốc HTX môi trường nước sạch xã Kim Lộc thừa nhận, công nghệ của nhà máy nước quá cũ kỹ, công nghệ lạc hậu nên không xử lý nước theo yêu cầu. “Nhà máy nước đã sử dụng 20 năm và quá hạn sử dụng, chúng tôi đề xuất trả cho nhà nước nhưng chưa được chấp thuận. Việc kiểm tra, xét nghiệm định kỳ cũng không thực hiện nữa. Thực tế, nhà máy cung cấp nước thô cho người dân có nhu cầu chứ không phải nước sạch” - ông Tố nói.

Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: Với tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch tập trung hiện nay của xã thì tiêu chí nước sạch vẫn đáp ứng yêu cầu đối với xã đạt chuẩn NTM nhưng không đạt đối với xã NTM nâng cao. Hiện nay, địa phương đã đề xuất cấp trên điều chỉnh quy hoạch để xã lấy nước sạch từ Nhà máy nước La Giang ở huyện Đức Thọ.

Giải pháp nước sạch cho huyện NTM nâng cao

Huyện Can Lộc đạt mục tiêu đến năm 2025 về đích huyện NTM nâng cao. Hiện nay, tiêu chí nước sạch tập trung của huyện mới đạt 29%, trong khi quy định phải đạt từ 55% trở lên. Huyện Can Lộc có 18 xã nhưng đến nay người dân 14 xã chưa được sử dụng nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; chủ yếu dùng nước từ giếng khoan, giếng làng, chất lượng không đảm bảo.

Phân tích nguyên nhân công trình cấp nước tập trung do UBND cấp xã, HTX dịch vụ quản lý hiệu quả kém, ông Trần Mạnh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho rằng, cán bộ cấp xã, HTX dịch vụ hầu hết kiêm nhiệm, không chuyên trách. Trong khi, trình độ công nhân quản lý vận hành thiếu chuyên môn; trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra tại chỗ, xử lý sự cố chưa đáp ứng yêu cầu. Giá tiêu thụ nước thấp, chưa được tính đúng, tính đủ; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch tập trung thấp; công tác bảo vệ, quản lý, khai thác vận hành, hoạch toán kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu nên thu không đủ bù chi, từ đó nguồn tái duy tu, bảo dưỡng công trình hàng năm không có, dẫn đến công trình xuống cấp nhanh. Ngoài ra, nguồn nước thô tại một số công trình không ổn định và chất lượng không đảm bảo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc thông tin, huyện đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch, mở rộng đấu nối cấp nước sinh hoạt từ nhà máy nước La Giang cho xã Kim Song Trường và Thanh Lộc; nâng cấp mở rộng nhà máy nước Thiên Lộc; đầu tư xây dựng nhà máy nước hồ Vực Trống. Nếu các công trình, dự án này được phê duyệt, triển khai xây dựng sẽ đáp ứng được nhu cầu nước sạch của người dân toàn huyện và đạt tiêu chí nước sạch trong xây dựng huyện NTM nâng cao.

HẠNH NGUYÊN