Sức khỏe

Nguy cơ sức khỏe khi thiếu máu thiếu sắt

Đức Trân 25/10/2024 09:49

Thiếu máu thiếu sắt là loại thiếu máu phổ biến nhất trên toàn cầu, ảnh hưởng đến khoảng 1,62 tỷ người, chiếm khoảng 24,8% dân số thế giới. Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở các nước đang phát triển và ở những nhóm dân cư dễ bị tổn thương như trẻ em tuổi dậy thì và phụ nữ mang thai.

duoi(1).jpg
Người dân nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những vấn đề bất thường của cơ thể. Ảnh: BVCC.

Thiếu máu là tình trạng có quá ít tế bào hồng cầu lưu thông. Nguyên nhân thường gặp nhất là do thiếu sắt; lượng sắt trong cơ thể không đủ, dẫn đến giảm sản xuất hồng cầu.

Thiếu máu thiếu sắt xảy ra do cơ thể không đủ sắt đáp ứng nhu cầu tạo hồng cầu vì những nguyên nhân khác nhau. Các triệu chứng thường không đặc hiệu, bao gồm suy nhược, mệt mỏi, khó chịu, thay đổi tâm trạng, đau đầu, nhanh mệt khi tập thể dục, giảm cảm giác thèm ăn (đặc biệt là ở trẻ em), xanh xao (ở những người có sắc tố sẫm màu, xanh xao có thể thấy rõ ở các bề mặt màng cứng và lòng bàn tay), hơi thở và hội chứng chân không yên.

Nữ sinh N.N.H. (16 tuổi, ở Hà Nội) đi khám sức khoẻ bất ngờ phát hiện bị thiếu máu thiếu sắt. Xét nghiệm lúc mới nhập viện tại Viện Huyết học – Truyền máu trung ương cho thấy lượng huyết sắc tố của H. chỉ đạt 65g/L – bằng khoảng 1 nửa chỉ số tối thiểu cần thiết.

H. cho biết, những lúc học môn thể dục tại trường, em không thể tập gắng sức như các bạn. Ngoài ra, nữ sinh cũng cảm thấy mệt khi phải leo dốc trong những chuyến đi chơi gần đây. Biểu hiện bên ngoài thấy rõ nhất ở H. là da xanh và môi nhợt nhạt.

Theo BSCKII Nguyễn Thị Thảo - Phó trưởng khoa Bệnh máu lành tính (Viện Huyết học – Truyền máu trung ương), đối tượng dễ mắc thiếu máu thiếu sắt nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trẻ em vị thành niên. Phụ nữ thường gặp tình trạng mất máu mãn tính như cường kinh, rong kinh. Đối tượng trẻ vị thành niên có nhu cầu dinh dưỡng rất cao nhưng cung cấp dinh dưỡng lại chưa đáp ứng đủ, thậm chí có trường hợp ăn kiêng để giảm cân.

“Thiếu máu do thiếu sắt không phải là một bệnh lý cấp tính. Biểu hiện phổ biến nhất là mệt mỏi, khó tập trung, giảm năng suất làm việc. Người bệnh tự khắc phục bằng cách nghỉ ngơi và thường xem nhẹ việc đi khám. Tuy nhiên, nó ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng sức khỏe cũng như năng suất lao động của người bệnh. Về lâu dài tình trạng này có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm” – BS Thảo cho hay.

TS.BS Hàn Viết Trung - Phó giám đốc Trung tâm Huyết học và truyền máu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, thiếu máu thiếu sắt nặng và kéo dài có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như suy tim, thai nhi phát triển kém ở phụ nữ mang thai, hoặc làm trầm trọng hơn các bệnh lý khác.

Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sau này. Đặc biệt có thể gây ra các rối loạn về tâm thần và vận động

Để phòng bệnh, người dân cần bổ sung sắt trong suốt thời kỳ mang thai. Nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoặc sữa bổ sung sắt dành cho trẻ trong năm đầu đời, vì sắt trong sữa mẹ được hấp thu hơn sữa bột.

Thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt, vitamin như thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, lạc, các loại rau xanh đậm như rau ngót, dền, muống… Kết hợp đa dạng các loại thực phẩm khác nhau làm cho bữa ăn cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng, đồng thời làm tăng hấp thu sắt bằng uống nước hoa quả như cam, chanh khi ăn thức ăn nhiều sắt. Không nên uống trà, cà phê ngay sau ăn.

Các bệnh nhiễm ký sinh trùng, sốt rét, nhiễm trùng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý thiếu máu do thiếu sắt. Trong đó có nhiễm ký sinh trùng đường ruột gây tác hại lớn nhất cho cơ thể. Do đó, cần tẩy giun định kỳ hàng năm bằng Mebendazol và Albendazol, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em trên 2 tuổi. Thường xuyên vệ sinh môi trường, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh… Xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những vấn đề bất thường của cơ thể.

Đức Trân