Đảm bảo công bằng khi tham gia bảo hiểm y tế
Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Ý kiến của nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi cần làm rõ được trách nhiệm của người đóng và quyền lợi hưởng của người dân. Trong đó xác định rõ những quyền lợi của người tham gia bảo hiểm; đảm bảo không phát sinh bất công bằng giữa các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế...
Tăng tỷ lệ tham gia BHYT
ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương (Đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, cần mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) để mở rộng diện bao phủ. Trong đó bổ sung một số nhóm đối tượng như: người lao động có xác định thời hạn đủ 1 tháng trở lên thì được đóng BHYT; người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam khi làm việc theo hợp đồng lao động có xác định đinh thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.
Dẫn báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHYT năm 2023, tính đến 31/12/2023 số người tham gia BHYT là hơn 93,6 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT khoảng 93,35% dân số, bà Sương đề nghị, số còn lại đề nghị cần rà soát xem là những đối tượng nào để phân loại theo nhóm đối tượng, bổ sung quy định tham gia BHYT để tăng tỷ lệ BHYT toàn dân.
Theo ĐB Trần Đức Thuận (Đoàn Nghệ An), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT chủ yếu tập trung khắc phục vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Luật BHYT. Việc sửa đổi làm rõ được trách nhiệm của người đóng và quyền lợi hưởng của người dân. Trong đó xác định rõ những quyền lợi của người tham gia bảo hiểm ở các đối tượng cụ thể, mở rộng thêm các đối tượng có lợi hơn cho người dân.
Đề nghị sửa đổi giải thích từ ngữ về giám định BHYT, ĐB Quàng Thị Nguyệt (Đoàn Điện Biên) cho biết, việc sửa đổi khái niệm, nội dung giám định BHYT trong Luật BHYT hiện hành (khoản 6 Điều 2, khoản 1 Điều 29) là vấn đề cấp bách, cấp thiết để khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT kéo dài nhiều năm qua. Đặc biệt là trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Bà Nguyệt đề nghị, bổ sung quy định về lập, giao dự toán chi khám chữa bệnh BHYT cho BHXH các tỉnh và cho cơ sở khám chữa bệnh vào điểm a khoản 24 Điều 1 Dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung các điểm a, b khoản 1 của Điều 35). Cụ thể, 91% số tiền đóng BHYT dành cho khám bệnh, chữa bệnh được phân bổ, giao dự toán hằng năm đến BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ sở khám chữa bệnh BHYT.
Trước đó, trong buổi sáng trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật, bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí việc bổ sung đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng và phương thức đóng BHYT quy định tại dự thảo Luật.
Song bà Thúy Anh đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục rà soát để bảo đảm thể hiện đầy đủ đối tượng đang tham gia BHYT theo quy định tại các văn bản pháp luật khác được thể hiện đầy đủ ở Điều 12 tại lần sửa đổi này. Tiếp tục rà soát, đối chiếu kỹ lưỡng để không làm giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ BHYT so với quy định hiện hành, không phát sinh bất công bằng giữa các đối tượng tham gia BHYT. Rà soát cả các quy định liên quan đến BHYT trong các dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Với các nhóm đối tượng mới, đề nghị đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tác động đến ngân sách nhà nước, quỹ BHYT. Với đối tượng tham gia BHYT là học sinh, sinh viên, Ủy ban Xã hội nhận thấy, chưa cần thiết phải sửa đổi, bổ sung quy định này. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án tăng mức hỗ trợ đối với đối tượng này thay vì quy định cho phép lựa chọn phương thức đóng để giảm chi phí của gia đình tại Điều 13...
Mở rộng thanh toán một số dịch vụ y tế
Theo ĐB Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang), đến nay Bộ Y tế chưa ban hành sửa đổi bổ sung kịp thời đầy đủ chi tiết hướng dẫn về chuẩn đoán điều trị, phác đồ điều trị cũng chỉ định hướng mà không quy định cụ thể dùng loại thuốc gì dẫn đến tình trạng áp dụng tuỳ tiện thuốc, sử dụng kỹ thuật cao trong điều trị gây lãng phí không cần thiết, ảnh hưởng đến BHYT...
Ông Tuấn kiến nghị, cần quy định tổ chức BHYT có trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT để tăng cường việc sử dụng quỹ chữa bệnh BHYT phải đúng đối tượng, mục đích, phòng chống lãng phí, trục lợi quỹ BHYT và nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý quỹ BHYT, đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Chỉ rõ thực trạng cơ sở khám chữa bệnh BHYT có tình trạng người bệnh phải tự mua thuốc theo chỉ định của thầy thuốc, nhưng chưa quy định về trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh như thế nào, ông Tuấn đề nghị quy định rõ việc các trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế, người bệnh phải tự mua thuốc theo chỉ định của thầy thuốc thì cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh số tiền họ đã mua thuốc, vật tư y tế trước khi họ ra viện, tổng hợp thanh toán với cơ quan BHXH, chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán là cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT tiếp cận dịch vụ y tế, giảm thủ tục hành chính, tránh tiêu cực có thể xảy ra... Ông Tuấn cũng kiến nghị bổ sung trách nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh trong việc đảm bảo thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT trong phạm vi được hưởng.
ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương kiến nghị, cần mở rộng thanh toán một số dịch vụ y tế đảm bảo thực hiện và đáp ứng mong chờ của cử tri như thanh toán khám chữa bệnh và hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa, chuyển cơ sở khám chữa bệnh theo yêu cầu chuyên môn, hỗ trợ chi phí sử dụng máu, chế phẩm thuốc, thiết bị y tế. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng phát triển hoạt động khám chữa bệnh tại nhà của cơ sở y tế, và chữa bệnh y học gia đình theo quy định của Luật Khám chữa bệnh, “Cho nên cần nghiên cứu bổ sung quy định BHYT chi trả đối với những trường hợp này”- bà Sương nói.
ĐB Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) nêu, tại Điều 21 sửa đổi, bổ sung đã quy định phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT gồm 10 khoản chi phí gồm: Chi phí cho sử dụng máu, chế phẩm máu, thuốc, thiết bị y tế, khí y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế, vật tư, dụng cụ, công cụ, hóa chất sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với 3 nội dung gồm thuốc, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế.
Tuy nhiên theo bà Ngọc, như vậy, Bộ trưởng Bộ Y tế mới chỉ quy định một phần trong các nội dung phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT. “Còn các chi phí khác thì quy định như thế nào? Văn bản số 1334 của Bộ Y tế cũng có giải trình rằng máu, chế phẩm máu sử dụng cho người bệnh không nằm trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và được thanh toán riêng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế. Tuy nhiên tôi đề nghị làm rõ căn cứ cũng như có quy định tối đa, tối thiểu về tỷ lệ thanh toán người tham gia được BHYT chi trả để đảm bảo quyền lợi và tính minh bạch trong phạm vi hưởng của người tham gia”- bà Ngọc băn khoăn.
Khi thẩm tra dự án Luật, để giải quyết được căn cơ quyền lợi của bệnh nhân BHYT, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội cũng đề nghị, Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định tại khoản 4 Điều 31 cơ chế thanh toán thông qua bệnh viện hoặc trực tiếp cho người bệnh khi phải tự mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế như việc thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng quy định tại khoản 5 Điều 31.
Bên cạnh đó, đối với quy định về tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại Điều 32, Uỷ ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ có cơ chế để giải quyết căn cơ những vướng mắc trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh giữa Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thời gian qua.
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 21 tỉnh, thành phố
Chiều 24/10, tại Nhà Quốc hội, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các nghị quyết về việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 21 tỉnh, thành phố.
21 tỉnh, thành phố này gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Đà Nẵng, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Quảng Bình, Quảng Nam, Nghệ An, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Yên Bái.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Sắp xếp đơn vị hành chính là công việc rất quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Trung ương, Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Nhấn mạnh mục đích sắp xếp tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị hành chính mới được thành lập, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác tuyên truyền, thông tin đóng vai trò quan trọng để người dân hiểu rõ, ủng hộ, từ đó việc sắp xếp đơn vị hành chính mới hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, có biện pháp tuyên truyền trước, trong, sau sắp xếp; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp khi sắp xếp đơn vị hành chính. Người dân phải là trung tâm trong câu chuyện sắp xếp này. Đồng thuận xã hội là yếu tốt quyết định. Đặc biệt, việc sắp xếp phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo đúng tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí.
P.V
Ngày làm việc thứ tư, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ tư của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Buổi sáng: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội nghe: Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày: Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Tại phiên thảo luận có 25 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu, 1 lượt ý kiến đại biểu tranh luận, trong đó, các ý kiến cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Kết thúc thảo luận, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đại diện cho cơ quan trình dự án luật phát biểu làm rõ thêm một số nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Buổi chiều: Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Dự án Luật Dữ liệu.