Tìm cách cải tạo chợ truyền thống
Chợ truyền thống vẫn đảm bảo cung ứng 80% hàng hóa tươi sống cho người dân, giải quyết đầu ra cho sản xuất. Chính vì vậy, cải tạo mạng lưới chợ là yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với lợi ích đời sống dân sinh.
Đìu hiu vắng khách
Đây là thực tế của không ít các chợ dân sinh, truyền thống hiện nay ở thành phố Hà Nội. Lý do khiến chợ truyền thống, dân sinh vắng khách một phần do sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, mang lại trải nghiệm mua sắm hàng hóa tiện lợi và nhanh chóng tới nhiều người hơn. Tuy nhiên lý do cơ bản khiến nhiều người tiêu dùng ngại đến chợ truyền thống vì lo sợ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Thực phẩm, rau quả bán tại chợ truyền thống thường tươi hơn nhưng nhìn những sạp thịt, cá bày bán trong không gian nhếch nhác, chật hẹp chưa kể ngày mưa vào chợ nước ngập chảy tràn ra lối đi rất mất cảm tình. Vì thế từ lâu tôi rất ít đến chợ truyền thống. Vào siêu thị chấp nhận giá cao hơn nhưng mua hàng ở đây có cảm giác sạch sẽ và an tâm hơn” - chị Phùng Chung (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.
Là người gắn bó với chợ Trung Kính (quận Cầu Giấy) hơn 10 năm chị Nguyễn Thị Thoa chủ sạp bán hàng khô và tạp hóa cho biết, trước chợ có gần 10 hàng bán hàng khô nhưng sau dần ít khách không bán được hàng nên giờ chợ chỉ còn 1 vài người bám trụ.
Đánh giá của Sở Công thương Hà Nội cũng cho thấy, thành phố hiện có 455 chợ, gồm các chợ từ hạng 1 đến hạng 3. Các chợ truyền thống đang đáp ứng khoảng 40% nhu cầu mua sắm của người dân các quận và 70% nhu cầu của người dân ngoại thành. Tuy nhiên, hiện nhiều chợ xuống cấp không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, văn minh đô thị... Đồng thời, hệ thống chợ dân sinh tại một số huyện còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, dẫn đến việc các tụ điểm chợ cóc phát triển.
Để cải tạo và nâng cấp chợ truyền thống, chợ dân sinh, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 110 thực hiện chỉ tiêu về đầu tư xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024- 2025. Theo đó, thành phố đầu tư xây mới 17 chợ và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp lại 21 chợ. Cụ thể, quận Bắc Từ Liêm dự kiến có 4 chợ; huyện Thanh Trì 3 chợ; quận Nam Từ Liêm, quận Hà Đông 2 chợ; quận Tây Hồ, huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng và thị xã Sơn Tây đều có 1 chợ. Ngoài ra, Hà Nội còn đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp lại 21 chợ (năm 2024 hoàn thành 10 chợ, năm 2025 hoàn thành 11 chợ). Các chợ chủ yếu tập trung tại quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ, Long Biên…
Thu hút xã hội hóa
Tại Hội nghị Giao ban công tác quản lý các dự án đầu tư chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội mới đây, đại diện Sở Công thương cho biết, thời gian qua một số quận, huyện chưa quan tâm đầu tư cải tạo nâng cấp chợ nên chưa đáp ứng được hạ tầng thương mại theo tiêu chí quy định, khó khăn cho việc công nhận tiêu chí hạ tầng thương mại.
Một số các chợ trên địa bàn (nhất là khu vực chợ ngoại thành họp theo phiên, quy mô nhỏ, manh mún) nên có doanh thu rất thấp chỉ đủ bù đắp chi phí vệ sinh môi trường và một phần chi phí quản lý, không đủ bù đắp các khoản khấu hao, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, nên rất khó thu hút doanh nghiệp đầu tư theo hướng xã hội hoá nguồn vốn. Cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư, nhất là tiền thuê đất còn hạn chế, chưa khuyến khích để các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư theo kêu gọi của thành phố.
Từ những vướng mắc trên, đại diện Sở Công thương Hà Nội cho rằng, Bộ Tài chính cần xây dựng cơ chế hỗ trợ miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đối với đầu tư xây dựng chợ...
Đại diện một số địa phương, quận, huyện cũng cho biết, một số chợ trên địa bàn quận, huyện không phải là tài sản công (đất do UBND phường sở hữu nhưng tài sản trên đất là do doanh nghiệp trúng thầu đầu tư) dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất của các chợ sau chuyển đổi, khó áp dụng theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP. Bên cạnh đó, nhiều địa phương không có quỹ đất hoặc chưa xác định được vị trí đất cụ thể đầu tư xây dựng chợ đảm bảo yêu cầu về quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất để đề xuất đưa vào Danh mục dự án có sử dụng đất trình UBND thành phố phê duyệt làm căn cứ kêu gọi đầu tư…
Làm sao để cải tạo chợ truyền thống góp phần hồi sinh chợ truyền thống không chỉ là câu chuyện của Hà Nội mà là câu chuyện chung của các địa phương hiện nay. Theo ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng chợ truyền thống vẫn đảm bảo ứng 80% hàng hóa tươi sống cho người dân, giải quyết đầu ra cho sản xuất. Đặc biệt, chợ truyền thống còn là nét đặc trưng văn hóa của người dân Việt Nam. Đây cũng là lợi thế để Việt Nam thu hút khách du lịch trong tương lai. Vì vậy, để chợ truyền thống thu hút người tiêu dùng thì việc đầu tiên là cải tạo chợ phải có quy hoạch rõ ràng, minh bạch; đặt ra tiêu chuẩn, tiêu chí về xây dựng chợ văn minh, nhân viên của chợ được đào tạo, tổ chức nguồn hàng và niêm yết giá…
“Tại nhiều nước, khách du lịch thường đến chợ chứ không đến siêu thị, Việt Nam lại bỏ quên địa điểm quan trọng này. Phải coi chợ là mục tiêu để phát triển, cần có chợ du lịch, chợ dân sinh hay chợ đầu mối”- ông Phú cho hay.