Kinh tế

Chuẩn CBAM tại thị trường EU: Doanh nghiệp sẵn sàng và thích nghi

THANH GIANG 25/10/2024 09:55

Mặc dù được xem là thị trường xuất khẩu lớn đầy tiềm năng, song thị trường Châu Âu (EU) cũng đầy khó khăn buộc doanh nghiệp (DN) Việt phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới theo hướng xanh hóa, giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất hàng hóa.

ảnh bài trên
Thép sẽ là 1 trong 6 ngành chịu ảnh hưởng của CBAM.

Sớm tiếp cận chuẩn CBAM

Theo thống kê của Bộ Công thương, xuất khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2024 vào thị trường EU ước đạt 38,1 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Hiện EU nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Đáng lưu ý, Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) mang lại sự tăng trưởng to lớn với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU trên 200 tỷ USD chỉ trong 4 năm, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 12 – 15%. Được đánh giá là thị trường lớn nhưng EU cũng là thị trường khó tính bậc nhất với những tiêu chuẩn ngặt nghèo về bảo vệ môi trường. Đơn cử, mới đây EU đưa ra cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Đây được xem là công cụ chính sách nhằm giảm lượng khí thải carbon từ hàng hóa nhập khẩu vào EU.

Việc triển khai CBAM vào ngày 1/1/2026 có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành thâm dụng carbon như thép, xi măng, phân bón và nhôm. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, tác động của CBAM đối với các DN Việt Nam là rất lớn. Các DN có nguy cơ bị cạnh tranh xuất khẩu và mất thị phần do đối thủ cạnh tranh đã sẵn sàng cho việc đáp ứng các chính sách xanh.

Ông Jean-Jacques Bouflet– Phó Chủ tịch Hiệp hội DN EU tại Việt Nam (EuroCham) nhận định, EU đang tiến hành kế hoạch trở thành lục địa trung hòa carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, EU lo ngại DN EU có thể chuyển những hoạt động sản xuất phát thải nhiều carbon ra nước ngoài do các tiêu chuẩn còn lỏng lẻo làm suy yếu mục tiêu thực hiện. Để ngăn chặn nguy cơ này, EU quyết định cân bằng giá carbon giữa các sản phẩm nội địa và nhập khẩu bằng cơ chế CBAM. Ông Bouflet cho rằng, hai yếu tố quan trọng của quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam là CBAM và thị trường tín dụng carbon. “Việt Nam đã đạt được tiến bộ với hơn 300 dự án đã đăng ký và giao dịch tự nguyện hơn 40 triệu tín chỉ carbon trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc thiết lập thị trường tín chỉ carbon trong nước vẫn là ưu tiên chính và sẽ đòi hỏi nỗ lực chung” - ông Bouflet nói.

Nhằm giảm phát thải khí nhà kính đối với sản xuất phân bón, bà Nguyễn Thị Minh Huệ - Giám đốc dự án Công ty cổ phần Tư vấn và Dịch vụ đổi mới khí hậu Klinnova khuyến nghị, cần giảm lượng tiêu thụ điện lưới, tăng lượng sản xuất và tiêu dùng bằng điện mặt trời, điện gió. Đồng thời áp dụng công nghệ phản ứng tổng hợp có hiệu suất chuyển đổi cao và quản lý bẫy hơi.

Với ngành thép, ông Đinh Quốc Thái – Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan đến CBAM với sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, Bộ Công thương nhanh chóng trình Chính phủ hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 gắn với chiến lược tăng trưởng xanh và bền vững. DN cũng cần có sự hỗ trợ ban đầu về mặt tư vấn, công nghệ kỹ thuật cũng như hỗ trợ vốn từ các quỹ tín dụng xanh. Đặc biệt, cần tăng cường phối hợp giữa các ngành công nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước tạo chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh thép xanh.

Cần khung chính sách hỗ trợ

Trước quy định mới về CBAM, EuroCham tin tưởng, một cơ chế xanh đối với hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài EU thông qua hệ thống định giá hợp lý lượng carbon thải ra trong quá trình sản xuất sẽ khuyến khích ngành công nghiệp sạch hơn ở các nước ngoài EU. Vì vậy, đòi hỏi khung pháp lý để thực hiện cũng như nâng cao nhận thức của các DN Việt Nam, nhằm đáp ứng việc giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon, tăng khả năng thích ứng và cạnh tranh cho các DN xuất khẩu. “Chúng tôi mong có những khung chính sách để hỗ trợ DN như CBAM, quy định về chống phá rừng Châu Âu (EUDR)... Làm sao đó giúp DN Việt Nam sẵn sàng sớm hơn, có lợi thế hơn khi đưa các sản phẩm, dịch vụ vào thị trường EU”, ông Julien Guerrier – Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh.

Còn theo bà Hồ Thị Quyên – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM, tác động của CBAM đối với các DN Việt Nam là rất lớn. Yêu cầu hiện nay đòi hỏi việc ban hành khung pháp lý để thực hiện cũng như nâng cao nhận thức của các DN Việt Nam để đáp ứng việc giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon, tăng khả năng thích ứng và cạnh tranh cho các DN xuất khẩu là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết.

Đề cập đến những chuẩn bị cho CBAM, ông Ngô Chung Khanh – Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, Bộ Công thương đã nghiên cứu đánh giá tác động của CBAM đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam từ rất sớm. Bộ đã lấy ý kiến các ngành liên quan và xây dựng Báo cáo tổng quan về những tác động của CBAM đối với trao đổi thương mại của Việt Nam – EU nói chung và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam với 6 ngành (sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, điện và khí hydro) chịu ảnh hưởng của CBAM. Theo vị này, CBAM chắc chắn không dừng lại con số 6 mà có thể gia tăng ở những ngành hàng đang xuất khẩu có giá trị tốt.

Bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công thương:

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ

ảnh bà Thắng
Bà Phan Thị Thắng.

Thời gian qua, Chính phủ và cộng đồng DN Việt Nam – EU đang quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu.

Nhất là những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm xuất nhập khẩu, xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số ngày càng rõ nét. Điều này đóng góp quan trọng cho sự phát triển một cách ổn định, bền vững của cộng đồng DN Việt Nam - EU.

Đề nghị, cộng đồng DN Việt Nam và EU tiếp tục trao đổi, mở rộng hợp tác kết nối đầu tư, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, chuyển giao công nghệ theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính đáp ứng với các tiêu chuẩn mới của toàn cầu.

THANH GIANG