Vụ án karaoke An Phú (Bình Dương): Xem xét khách quan trách nhiệm của các cựu cán bộ
Hầu hết gia đình các bị hại đề nghị tòa xem xét trách nhiệm, đồng thời có quan điểm nghiêm khắc đối với những cựu cán bộ liên quan đến vụ án vì chính họ đã góp phần quan trọng gây ra vụ việc đau lòng này.
Ngày 25/10, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục xét xử ngày thứ 2 đối với các bị cáo trong vụ cháy quán karaoke An Phú, khiến 32 người chết, xảy ra vào ngày 6/9/2022 tại phường An Phú, thành phố Thuận An.
Bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho Lê Anh Xuân
Trong buổi sáng, Hội đồng xét xử (HĐXX) dành phần lớn thời gian cho đại diện các bên bị hại trình bày quan điểm, nguyện vọng. Theo ông Hà Văn Hưng - cha của bị hại Hà Quốc Việt, bên cạnh lỗi của bị cáo Lê Anh Xuân (chủ quán karaoke An Phú) các bị cáo khác cũng có lỗi lớn, đặc biệt là các bị cáo nguyên là cán bộ đại diện cho lực lượng thực thi pháp luật. Ông Hưng cho rằng, họ đã buông lỏng quán lý, kiểm tra, phê duyệt, thậm chí có thể không loại trừ lợi ích. Ông Hưng cũng xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Xuân vì sau khi xảy ra vụ việc, gia đình bị cáo Xuân rất chu đáo với gia đình, từ việc chi phí mai táng, luôn thăm hỏi, động viên gia đình.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - đại diện theo ủy quyền phía bị hại Nguyễn Chiến Thắng cho biết, ông là chú ruột của bị hại, ông Thắng mất đi để lại 3 đứa con thơ. Theo ông Dũng, hiện gia đình đã nhận được số tiền bồi thường 130 triệu đồng phí mai táng, đồng thời ông đề nghị các bị cáo hỗ trợ cấp dưỡng nuôi 3 cháu nhỏ đến lúc trưởng thành, mỗi tháng 2 triệu đồng/cháu.
Trong khi đó, bà Giang Thị Linh - đại diện người thân của một bị hại khác cho hay, gia đình cũng đã nhận được chi phí mai táng từ người đại diện bị cáo Lê Anh Xuân. Tại phiên Tòa, bà Linh yêu cầu bồi thường tổn hại tinh thần 150 triệu đồng, đồng thời cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Xuân, vì đây là sự cố ngoài ý muốn, bản thân bị cáo cũng thiệt hại lớn trong vụ cháy.
Bà Dương Thị Huyền - đại diện của bị hại Nguyễn Chí Vương, nghẹn ngào bày tỏ: “Anh Vương mất đi là tổn thất không thể bù đắp được đối với gia đình tôi, đặc biệt là đứa con nhỏ. Tôi yêu cầu các bị hại cấp dưỡng cho con tôi mỗi tháng 3 triệu đồng”.
Hầu hết các bị cáo chối tội
Bị cáo Lê Anh Xuân và 5 bị cáo còn lại tiếp tục trả lời các câu hỏi trong phần xét hỏi. Bị cáo Xuân tiếp tục phủ nhận việc quen biết và làm có thỏa thuận với bị cáo bị cáo Phạm Thị Hồng (cựu Cảnh sát PCCC Bình Dương) để thi công công trình quán karaoke An Phú mà việc này do cha bị cáo (hiện đã mất) làm. Bị cáo Xuân chỉ tiếp nhận, quản lý quán khi cho mình bị bệnh, sức khỏe yếu vào năm 2019. Tuy nhiên, ông Xuân thừa nhận mình có sai sót, không kiểm tra lại tính năng hoạt động của hệ thống PCCC và tổ chức đội PCCC của quán.
Ông Nguyễn Nhất Linh - người trực tiếp thi công hệ thống PCCC trả lời HĐXX rằng, được bị cáo Phạm Thị Hồng thuê với giá 100 - 120 triệu đồng. Do thời gian lâu nên ông Linh khai không nhớ số tiền chính xác, còn việc nhận tiền công thông qua tiền mặt.
Trái với lời khai của ông Linh, trả lời xét hỏi HĐXX, bị cáo Phạm Thị Hồng khẳng định mình không thuê ông Linh thi công. “Bản thân bị cáo đang bị trọng bệnh, 2 lần bị bệnh ung thư, hiện vẫn đang tiếp tục điều trị. Một mình phải gồng gánh nuôi 2 con nhỏ, mong HĐXX xem xét các tình tiết, khách quan để minh oan bản thân bị cáo”, bà Hồng đề nghị.
Chiều nay 25/10, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm giải quyết vụ án tại phiên tòa, sau đó HĐXX sẽ dành thời gian cho các luật sư, bị cáo và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bào chữa, tranh luận với đại diện Viện Kiểm sát.