Hôm nay, Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế xã hội, thi hành Hiến pháp
Theo Báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế xã hội năm 2024 có nhiều điểm sáng nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Ngày 26/10, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở tổ về: tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Trước đó, ngay trong phiên khai mạc của Kỳ họp thứ 8, báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm (có thặng dư cao); nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,88% (trong bối cảnh tăng lương với mức cao từ 1/7/2024). Thị trường ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm.
Theo Thủ tướng, ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ, trong khi ước cả năm miễn, giảm, gia hạn gần 200 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỷ USD (tính đến 15/10/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 610,5 tỷ USD; xuất siêu 21,24 tỷ USD). An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Tập trung triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng, trọng điểm với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”,“làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “3 ca, 4 kíp”, “xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, Tết”; hoàn thành Dự án 500kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn 6 tháng thi công thần tốc và tích cực triển khai nhiều dự án, công trình điện trọng điểm; hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km. Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Thu hút FDI là điểm sáng, vốn thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất nhiều năm qua, trong khi đầu tư toàn cầu sụt giảm.
Đáng chú ý, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Các lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng tốt. Công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng. Dịch vụ duy trì đà phục hồi tốt; thương mại điện tử, du lịch phát triển mạnh. Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá; phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và công nghệ cao.
Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, nước ta còn những hạn chế, bất cập và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn. Chi phí sản xuất còn cao; sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Một số chương trình, chính sách tín dụng triển khai chậm. Nợ xấu có xu hướng tăng; khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2024 còn cao. Giải ngân vốn đầu tư công chậm; lãng phí trong quản lý tài sản công, đất đai còn lớn. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn kéo dài. Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, thể chế, pháp luật còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Vẫn còn tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh. Việc phân cấp, phân quyền còn nhiều bất cập, vẫn tập trung nhiều ở Trung ương, vẫn còn tình trạng “chưa đúng vai thuộc bài”; việc cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh chưa được xử lý kịp thời.
Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, các ngành phục vụ kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, điện toán đám mây. Công tác đào tạo chưa theo kịp yêu cầu mới về sử dụng lao động và nhu cầu phát triển.
Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Sạt lở, ngập úng, sụt lún, khô hạn, ùn tắc, tai nạn giao thông, cháy nổ, ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải vẫn là thách thức lớn. Thiên tai, bão lũ diễn biến khó lường. Tình hình an ninh, trật tự ở một số địa bàn, tội phạm ma túy, công nghệ cao, lừa đảo qua mạng còn phức tạp.