Kinh tế

Temu vào Việt Nam: Mừng hay lo?

T.Hằng 26/10/2024 07:39

Sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử giá rẻ xuyên biên giới mới đây, nổi bật là Temu đã gây ra một “cơn sốt” trên thị trường Việt Nam.

7 a1
Ứng dụng mua sắm trực tuyến Temu đang bán hàng rầm rộ tại Việt Nam. Ảnh: B.Hiếu.

Temu thuộc PDD Holdings (Trung Quốc) - tập đoàn sở hữu trang thương mại điện tử (TMĐT) Pinduoduo chưa công bố chính thức vào Việt Nam. Song dù chưa đăng ký kinh doanh TMĐT với cơ quan quản lý nhưng người dùng đã có thể vào các kho ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.

Anh Nguyễn Hoàng An (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, ai cũng biết rõ hàng hoá trên Temu rẻ và là “ hàng chợ” nhưng nhưng nếu biết lựa, cũng vẫn có nhiều món đồ dùng tiện ích. Ví dụ như tất, khăn lau, sạc pin, dép đi trong nhà, phụ kiện công nghệ, đồ chơi trẻ con…

Anh An cũng cho rằng, vấn đề cốt lõi của Temu là chương trình tiếp thị liên kết giới thiệu được tín dụng và giảm giá khi mua đủ số lượng.

Người mới đăng ký app (ứng dụng) được mua nhiều món với giá giảm 30% và nếu mua đủ số lượng thì có thể giảm tới 70-90%. Cứ giới thiệu được 1 người tải app, đăng ký mua hàng thành công, thì nhận được 150.000 đồng tín dụng. Giới thiệu 10 người thì có 1,5 triệu, 100 người thì có 15 triệu tín dụng. Đương nhiên việc chuyển đổi từ tín dụng thành tiền mua hàng không phải được thực hiện ngay lập tức, người mua hàng cũng chỉ được thanh toán bằng thẻ visa.

“Giới trẻ sẽ rất hứng thú với cuộc chơi giới thiệu để săn tiền mua hàng này. Đây chính là lý do vì sao Temu nóng” - anh An nói.

Trong khi đó chị Mỹ Hạnh (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết hơn 3 ngày trở lại đây chị thấy có rất nhiều người bàn tán về Temu. Bản thân trên trang cá nhân Facebook của chị cũng thường xuyên hiện ra các mặt hàng như áo, ly thuỷ tinh giới thiệu từ trang Temu.

Tương tự chị Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nhiều ngày nay, quảng cáo của Temu luôn xuất hiện trên trang Facebook cá nhân của chị. Chỉ với vài dòng giới thiệu ngắn ngủi như: “Phát hiện tuyệt vời! Tiết kiệm lớn với mức giảm giá không thể tin được!”, hay: “Tôi thấy rất nhiều món đồ mình thích trên Temu và đều đang giảm giá. Cứ như vừa trúng mánh vậy!”…

Bị hấp dẫn, chị Hà đã tải app về để thử đặt hàng. Temu ưu đãi lớn cho người mua lần đầu. Chẳng hạn túi xách nữ da tổng hợp chỉ hơn 22.388 đồng/chiếc vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng hoặc 400 tấm khăn bếp dùng 1 lần cỡ lớn chỉ với giá 36.201 đồng, được miễn phí vận chuyển... “Đúng là rẻ chưa từng thấy”- chị Hà nói.

Được biết, hiện Temu có 2 đối tác vận chuyển tại Việt Nam là Ninjavan và Best Express, với thời gian giao hàng chỉ 3-5 ngày, tương đương tốc độ giao nội địa của các đơn thông thường.

Giống như các sàn TMĐT đình đám khác tại Việt Nam như Shopee hay Lazada, Temu có danh mục hàng hóa phong phú, cái gì cũng có. Chính vì vậy mà người mua hàng tìm kiếm thuận lợi, mua hàng không đắn đo. Chưa kể Temu mở tính năng bán hàng tại Việt Nam và chạy quảng cáo rầm rộ tuần gần đây với hàng loạt ưu đãi cho người dùng mở tài khoản và giao dịch lần đầu. Ở mỗi loại sản phẩm khách tìm kiếm, luôn xuất hiện vài mẫu được dán nhãn “Mừng khai trương” và giảm giá sâu.

Trước cơn sốt hàng giá rẻ trên Temu, các chuyên gia cho rằng, về mặt tích cực, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có thêm một lựa chọn mua sắm giá rẻ, thuận tiện. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần xem xét kỹ chất lượng sản phẩm trước khi đặt mua. Với hàng có giá trị cao, người mua vẫn cần lưu tâm đến các gói bảo hiểm hoặc các quyền lợi khi mua hàng.

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), trang TMĐT Temu chưa công bố chính thức vào Việt Nam nhưng người dùng Việt Nam vẫn có thể vào các cửa hàng trên điện thoại, tải app và mua hàng. Hiện tại chưa có đánh giá cụ thể về vấn đề này bởi Temu mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam. Thế nhưng, trước việc giá hàng hóa, sản phẩm quá rẻ có thể sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa sản xuất trong nước, Cục sẽ theo dõi và tổng hợp thông tin.

Theo quy định, các sàn bán lẻ online xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch một năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công thương nhằm đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và các quy định pháp lý liên quan.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, theo quy định của Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, các sàn TMĐT khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký với Bộ Công thương. Đối với sàn Temu đang bán hàng tại Việt Nam, ông Tân cho biết, Bộ Công thương đang triển khai đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT. Bộ cũng đã giao Tổng cục QLTT theo dõi sát đến vấn đề này. Đồng thời, giao Cục TMĐT và Kinh tế số rà soát, đánh giá tác động.

Trước những lo ngại về sức ép hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc thông qua con đường TMĐT, cũng như các kênh truyền thống có thể đe dọa nền sản xuất trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, hàng hóa nói chung khi vào Việt Nam đều phải có đánh giá tác động để có phương án bảo vệ hàng sản xuất trong nước. “Riêng kênh TMĐT đang nổi lên, có ưu thế hơn, cần phải có giải pháp đặc thù hơn xử lý. Hiện hàng hóa trên TMĐT có giá rất thấp, ít tiền.

Tuy nhiên, cùng với mức giá thì các vấn đề như mẫu mã, quy cách, thương hiệu, chất lượng cũng cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trên cùng một phân khúc. Từ đó, xác định hàng hóa đó có gian lận, có phải là hàng giả, hàng nhái hay phá giá thị trường để có biện pháp quản lý” - ông Tân cho hay, đồng thời cho biết, Bộ đã có đề án chung về các vấn đề này và đang triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước.

T.Hằng